Thương hiệu du lịch địa phương

Với những dấu ấn văn hóa đặc sắc, sự đa dạng trong phong tục, tập quán,... các di sản văn hóa của Việt Nam luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Thương hiệu du lịch địa phương

Do đó, nếu được bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa sẽ giúp tôn vinh thương hiệu quốc gia, đồng thời góp phần định vị thương hiệu du lịch ở từng địa phương, vùng miền.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020, khẳng định quan điểm: Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Một số giải pháp trọng điểm được đề ra là phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây không chỉ là lợi thế, niềm tự hào của cộng đồng nơi có di sản mà còn là nền tảng quan trọng trong việc quảng bá văn hóa, thương hiệu du lịch của địa phương.

Hiện nay những nơi có di sản thế giới đều được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quan tâm tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để phát huy giá trị.

Phần lớn các di sản văn hóa của Việt Nam khi được UNESCO công nhận đều trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, mang nét riêng biệt, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Có những điểm đến đã trở thành thương hiệu nhận diện rất đặc trưng của các địa phương như: Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), quần thể di tích Tràng An (tỉnh Ninh Bình), Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế)...

Tuy nhiên, mức độ quan tâm, chú trọng tới vấn đề định vị thương hiệu du lịch địa phương từ phát huy giá trị các di sản chưa thật sự đồng đều ở các địa phương. Điều này cần được cải thiện bởi thương hiệu du lịch địa phương không chỉ giúp tăng khả năng nhận diện mà còn tạo nên lợi thế cạnh tranh, thu hút khách du lịch, tạo sinh kế cho người dân, từ đó góp phần phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Một yếu tố quan trọng trong xây dựng, định vị thương hiệu địa phương là tạo được dấu ấn riêng biệt, độc đáo. Mặt khác, hình ảnh, thương hiệu của địa phương thường được tạo nên bởi thương hiệu văn hóa, thương hiệu điểm đến và thương hiệu sản vật của địa phương.

Vì vậy, bên cạnh yếu tố cảnh quan, các sản phẩm du lịch cần có sự kết hợp đa dạng trong phong tục, tập quán truyền thống, trên cơ sở tôn trọng màu sắc văn hóa bản địa khác biệt, đồng thời cần tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đặc sắc của các vùng miền. Song song với đó, cần có quy hoạch, định hướng phát triển hài hòa, cân bằng, không phát triển thương mại ồ ạt quá mức hay tự phát, mà phải tôn trọng các yếu tố nội tại của di sản, hướng đến phát triển du lịch một cách có chiều sâu và bền vững.