Hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn

Hà Nội có vùng ngoại thành rộng lớn, cảnh quan đa dạng và nhiều giá trị văn hoá. Thành phố đang hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn, chất lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham gia trải nghiệm hái chè tại Ba Vì.
Khách du lịch tham gia trải nghiệm hái chè tại Ba Vì.

Ngày 5/7, tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội), Sở Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín tổ chức tập huấn công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội cho đội ngũ cán bộ làm du lịch ở các huyện ngoại thành.

Với vùng ngoại thành rộng lớn, cảnh quan đa dạng và nhiều giá trị văn hoá, nhất là trong thời gian gần đây, Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn thành phố có hàng chục trang trại sinh thái, những điểm du lịch làng nghề, kết hợp tham quan các di tích, di sản.

Thành phố xác định, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là một hướng đi hiệu quả cho phát triển du lịch nông thôn; gắn phát triển du lịch với nông nghiệp, nông thôn, góp phần có thêm nhiều xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2022, thành phố có hai sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Đó là điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).

Thành phố cũng công nhận 5 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái như: Điểm du lịch xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; Điểm sinh thái Hoàng Long, huyện Thạch Thất; Điểm du lịch Làng nghề lược sừng Thụy Ứng, huyện Thường Tín; Điểm du lịch Làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; Điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.

Tại buổi tập huấn, đại diện Sở Du lịch đã chia sẻ những giải pháp để xây dựng những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; giải đáp những thắc mắc về phát triển sản phẩm cho các địa biểu.

Sở Du lịch sẽ nghiên cứu, xây dựng khung hướng dẫn chung phục vụ cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở chỉ đạo thực hiện, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện các kế hoạch hành động; tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn…