Thúc đẩy xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử quốc tế

Khi thương mại điện tử đang trở thành xu hướng phát triển toàn cầu, các cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng quốc tế. Thành phố Hà Nội đã có các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự Hội nghị Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Với mong muốn tăng trưởng xuất khẩu, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã tìm tới các giải pháp phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Thông qua các nền tảng này, sản phẩm của doanh nghiệp đã tiếp cận được với người tiêu dùng tại hàng trăm nước trên thế giới, mà không cần phải mở chi nhánh, cơ sở ở nước ngoài như trước đây. Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ: "Để đạt hiệu quả cao khi tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, rất cần nghiên cứu chi tiết thị trường nhập khẩu. Công ty hiện có hàng trăm sản phẩm, nhưng chúng tôi đã dành khoảng 5 tháng để nghiên cứu thị trường, lựa chọn ra bốn sản phẩm phù hợp nhất để đưa lên sàn Amazon và đã đạt được kết quả tích cực".

Thông qua các sàn thương mại quốc tế như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global…, người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hoặc mua lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là các loại nông sản thành phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất, gia dụng hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiên nhiên… Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi cho biết, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn thương mại điện tử Alibaba, sau một năm, con số này tăng lên 260.000 USD. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt Nam vào thị trường EU.

Chuyên gia Sàn thương mại điện tử Shopee International Phạm Minh Long cho biết, Shopee hiện đang triển khai Chương trình “Xuất khẩu B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) cho doanh nghiệp sản xuất địa phương qua nền tảng Shopee International Platform”. Đây là nền tảng xuất khẩu của Shopee cho phép doanh nghiệp, người bán trong nước mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở các thị trường quốc tế một cách thuận tiện và dễ dàng thông qua sàn thương mại điện tử Shopee. Tính đến tháng 8/2022, chương trình đã có hơn 300.000 người bán từ Việt Nam với hơn 9 triệu sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai trên nền tảng Shopee quốc tế.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), hiện nay trên địa bàn thành phố có tới 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp thị thông qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa nhiều. Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme, Mạc Quốc Anh nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời, có thể chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

Đại diện Hanoisme cũng cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận được nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, xây dựng data dữ liệu thông tin doanh nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này còn nhỏ lẻ, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về nguồn lực nhân sự có trình độ kỹ năng về lĩnh vực này. Nhân sự có kỹ năng bán hàng hay tiếp thị trên các nền tảng số, có hiểu biết về các quy định tham gia sàn thương mại điện tử chưa nhiều. Về hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics hiện thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Công thương, Sở Công thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại và du lịch thành phố phối hợp các Hiệp hội doanh nghiệp, các đối tác như Amazon, Alibaba, Shopee... đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tập huấn, trang bị kỹ năng cho các doanh nghiệp Hà Nội tham gia vào chuỗi phân phối toàn cầu qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi số với sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0. Các thiết bị thông minh, internet, công nghệ số… được rất nhiều người sử dụng. Xu hướng này tạo ra hiệu quả của việc mua sắm không giới hạn, không chỉ trong một quốc gia, một không gian mà trên toàn cầu qua hình thức thương mại điện tử mua sắm trực tuyến. Các cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cách thức và không bỏ lỡ cơ hội này".