Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sáu tháng đầu năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt gần 28 tỷ USD; tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có chín sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD như: Cà-phê, cao-su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ...
Bên cạnh kết quả đạt được, nông sản Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều; xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế... Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột vũ trang Nga-Ukraine, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, sản lượng mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu qua hệ thống cảng biển tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, tại các khu vực này, hạ tầng kết nối chưa được đầu tư xứng tầm cho nên phần lớn hàng hóa xuất, nhập khẩu vẫn phải chuyển đến các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh, phải di chuyển xa, lâu ngày. Mặt khác, khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu các trung tâm logistics, thiếu bãi công-ten-nơ rỗng, hệ thống kho ở các cảng... Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và phần lớn cũng phải chuyển tải về các cảng lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), khiến chi phí vận chuyển tăng thêm 10-40%...
Với vai trò là doanh nghiệp khai thác, cung cấp dịch vụ hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (có trụ sở tại 722 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh) đã triển khai nhiều giải pháp tại các cảng thuộc hệ thống của Tổng công ty nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản.
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết: Tổng công ty từng bước xây dựng hệ sinh thái cảng biển và logistics bao gồm hệ thống các cảng cửa ngõ (Cát Lái, Cái Mép) kết nối với các cơ sở ICD, depot vệ tinh, trung tâm phân phối nằm tại các vị trí thuận lợi và phù hợp với phân bổ ngành hàng sản xuất của từng khu vực, hệ thống kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, dịch vụ logistics trọn khâu, phục vụ cho các khách hàng từ khâu vận chuyển rỗng công-ten-nơ, đóng hàng tại nhà máy cho đến khi công-ten-nơ xuất lên tàu sang cảng đích tại nước ngoài.
Ngoài ra, Tổng công ty còn liên kết với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu giúp tăng sức cạnh tranh và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tổng công ty đang liên kết cung cấp dịch vụ cho Hãng tàu MAERSK bao gồm: Vận chuyển bằng đường thủy, bộ kết hợp đồng bằng sông Cửu Long - Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, dịch vụ tập kết, sửa chữa và cấp công-ten-nơ rỗng và đóng hàng cho khách hàng ngay tại cảng Tân cảng Cái Cui (thành phố Cần Thơ).
Từ tháng 7/2021 đến nay, Tân cảng Cái Cui và Hãng tàu MAERSK đã cấp 1.740 công-ten-nơ rỗng kết hợp cả đóng bãi và đóng kho cho khách hàng, trở thành điểm tập kết gom hàng nông sản xuất khẩu ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp; đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận chuyển sà-lan đến cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh xuất tàu với tần suất ổn định mỗi ngày, giúp giảm chi phí mỗi công-ten-nơ thấp hơn đường bộ từ 2-3 triệu đồng.
Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải quan) Đào Xuân Tám cho biết: Hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản được Nhà nước khuyến khích với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhất là hàng nông, thủy sản đơn giản, tạo thuận lợi thương mại và được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng hoạt động xuất, nhập khẩu mặt hàng nông, thủy sản. Để hạn chế thiệt hại, ngành hải quan khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý: Nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng, chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan kịp thời; thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế; các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai…; nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống; hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu.
Phân tích về những cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bà Bùi Hoàng Yến, Tổ phó Tổ công tác miền nam Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Việt Nam đã ký kết 15 FTA, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu trong thời gian tới.
Việc thực hiện cam kết FTA với các nước châu Âu và khu vực khác trên thế giới sẽ giúp phát triển thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đa dạng, cân bằng và đạt hiệu quả hơn. “Để tận dụng các cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định này, nhất là thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Việc doanh nghiệp chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU-bà Bùi Hoàng Yến cho biết thêm.