Vướng mắc từ cơ sở
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Hà Nội Nguyễn Văn Bằng cho biết, đơn vị hiện làm các nhiệm vụ về tiếp nhận, quản lý, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội.
Những năm qua, Trung tâm tiếp nhận hàng nghìn lượt đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, người lang thang và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Đơn vị đã làm tốt công tác tham vấn, tư vấn cung cấp các dịch vụ xã hội, giải quyết hồi gia tái hòa nhập cho hàng nghìn lượt đối tượng về với gia đình và cộng đồng khi đủ điều kiện. Nhiều trẻ em lang thang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã cố gắng vươn lên, nay đã trưởng thành, trở thành những công dân tốt trong xã hội, có cuộc sống ổn định.
Khám bệnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Hà Nội. |
Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng những người yếu thế trong xã hội. Có nhiều nhóm, nhiều đối tượng khuyết tật như: Câm, điếc, mù, trí tuệ chậm phát triển, tâm thần. Bên cạnh đó, có nhiều đối tượng mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội như: Lao, HIV/AIDS; nhiều người cao tuổi không tự phục vụ được, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Từ tháng 9/2022 đến nay, cơ sở 2 của Trung tâm được sử dụng để chăm sóc phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Ông Bằng chia sẻ, thực tế công tác tại đơn vị cũng có những vướng mắc. Phải đảm đương nhiều công việc, nhưng nhân lực của Trung tâm khá ít ỏi. Đơn vị hiện có 76 cán bộ, nhân viên, thiếu người so với biên chế được giao.
Ngoài ra, Trung tâm thuộc đơn vị nhóm 4, nhóm ngân sách bảo đảm chi thường xuyên theo quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Tại Điều 22, khi kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phí thường xuyên giao tự chủ, đơn vị sử dụng số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được, thì bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động.
Ông Bằng băn khoăn, khi các cơ sở bảo trợ xã hội tiết kiệm được chi thường xuyên, nhưng không được chi vượt quá định mức theo quy định, trong khi thu nhập của người lao động tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn thấp. Khoản bổ sung thu nhập tăng thêm hằng năm là nguồn động viên để họ gắn bó với nghề; giảm thiểu tình trạng người lao động nghỉ việc, bỏ việc.
Còn theo bác sĩ Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội, tình hình thực hiện công tác xã hội tại đơn vị liên quan đến nhiều lĩnh vực như trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm sóc y tế người cao tuổi, trẻ em không nơi nương tựa; phục hồi chức năng… Tuy nhiên, thực tế cũng gặp một số khó khăn.
Thí dụ, về hỗ trợ thủ tục hồ sơ tư pháp, bà Hải cho hay, đa số trẻ bị bỏ rơi được Trung tâm tiếp nhận bảo đảm về hồ sơ. Những trường hợp hồ sơ không rõ ràng được làm thủ tục khai sinh và tiến hành chăm sóc nuôi dưỡng. Một số trường hợp trẻ vướng mắc về thủ tục hồ sơ, hiện chưa có giấy khai sinh như: Trẻ sinh ra không xác minh được nhân thân, bị mẹ bỏ rơi không thừa nhận; trẻ bị thất lạc giấy chứng sinh... Hồ sơ pháp lý không đầy đủ gây khó khăn trong việc tìm mái ấm, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ. Vì vậy, để hoàn thiện hồ sơ cho trẻ trưởng thành, Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn.
Chính sách hỗ trợ trẻ trưởng thành tái hòa nhập cộng đồng cũng có vướng mắc. Theo quy định, đơn vị bảo trợ xã hội chăm sóc nuôi dưỡng trẻ đến 18 tuổi phải thực hiện thủ tục trưởng thành và tái hòa nhập cộng đồng. Đối với trẻ tiếp tục học nghề, học đại học được tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng đến 22 tuổi.
Tuy nhiên, có những cháu đến tuổi trưởng thành, nhưng chưa tìm được việc làm để ổn định được cuộc sống, hoặc sau khi học xong đại học, học nghề, phải có thời gian đi tìm việc làm. Vì vậy, bà Hải đề xuất, cần hỗ trợ thêm cho các đối tượng này từ 6 tháng đến 1 năm để các em tìm việc làm, ổn định cuộc sống.
Sớm hoàn thiện chính sách về công tác xã hội
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội trên phạm vi cả nước, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho khoảng 30% đối tượng. Số lượng các cơ sở trợ giúp xã hội chỉ đạt 92,2% so với quy hoạch, nhưng quy mô phục vụ đạt 157% so với mục tiêu quy hoạch.
Lĩnh vực công tác xã hội vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế. Trong đó, có một số vấn đề đáng quan tâm.
Đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng.
Trước hết, đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của công tác xã hội ngày càng tăng. Hiện nước ta có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi; 7,6 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 9,2 triệu người người có công với cách mạng; hơn 230 nghìn người nghiện ma túy. Cùng với đó, có hàng trăm nghìn đối tượng bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và hàng triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có các vấn đề trong cuộc sống.
Tuy nhiên, các dịch vụ công tác xã hội chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu. Năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng. Đa số họ được đào tạo từ ngành nghề khác, hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng.
Cơ cấu các dịch vụ công tác xã hội có sự kết hợp của các cơ quan/đơn vị công lập và ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng. Các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp chưa được cung cấp cho người dân tại cộng đồng, làm giảm hiệu quả của các chính sách phúc lợi xã hội. Việc cung cấp dịch vụ xã hội chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng. Đa số họ được đào tạo từ ngành nghề khác, hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng.
Trong những giai đoạn đầu, công tác xã hội chuyên nghiệp chủ yếu cung cấp các dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực bảo trợ xã hội. Các dịch vụ công tác xã hội chuyên sâu đối với các cá nhân, nhóm đối tượng đặc thù mới bắt đầu phát triển.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, hành lang pháp lý về công tác xã hội ở Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế. Các văn bản pháp luật quy định về công tác xã hội có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm nghị định để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động công tác xã hội, viên chức công tác xã hội và quản lý nhà nước đối với công tác xã hội... Điều này tạo nên khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về công tác xã hội vào các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành khác, cũng như tổ chức triển khai trên thực tế.
Hành lang pháp lý về công tác xã hội ở Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế.
Hơn nữa, công tác xã hội chưa được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp - chưa có dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp; chưa có quy định rõ, cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của viên chức công tác xã hội, dù đây là lực lượng chính, nòng cốt cho nghề công tác xã hội ở Việt Nam.
Các quy định pháp luật trong các lĩnh vực rà soát có liên quan đến công tác xã hội cho thấy, nhiều quy định còn chung chung. Một số lĩnh vực chưa có quy định, còn thiếu, còn khoảng trống. Có quy định còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, hoặc bất cập khó triển khai, thực hiện trên thực tế.
Do vậy, cần sớm ban hành một văn bản pháp lý phù hợp ở tầm nghị định để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này.
Hiện nay, dự thảo Nghị định về công tác xã hội đã được xây dựng và lấy ý kiến. Sắp tới, khi Nghị định được ban hành, kỳ vọng sẽ góp phần tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận. Từ đó, thúc đẩy phát triển công tác xã hội chuyên nghiệp ở nước ta.