Tăng vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp

Thời gian tới, cần có các giải pháp và kế hoạch phù hợp để tăng cường vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là tư pháp với người chưa thành niên. Đây là những nội dung nên triển khai trong Kế hoạch thực hiện Đề án quốc gia về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021-2030.
0:00 / 0:00
0:00
Vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em (Ảnh minh họa: UNICEF/Trương Việt Hùng).
Vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em (Ảnh minh họa: UNICEF/Trương Việt Hùng).

Khó khăn với nghề công tác xã hội

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nhận định, mặc dù Chính phủ đã ban hành một số văn bản dưới luật về nhân viên công tác xã hội, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản luật nào công nhận công tác xã hội là một nghề cũng như quy định về các tiêu chuẩn hành nghề, bằng cấp chuyên môn cần có của nhân viên công tác xã hội, và cơ chế cấp phép/đăng ký hành nghề cho nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Do đó, rất khó để công nhận về mặt pháp lý cũng như xác định vai trò và chức năng của nhân viên công tác xã hội trong các văn bản luật khác. Cụ thể như: Luật Trẻ em, Luật Nuôi con nuôi, các văn bản luật về lĩnh vực y tế, giáo dục và tư pháp.

Đây là chia sẻ của bà Loan tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp” diễn ra mới đây.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều chức năng, nhiệm vụ do nhân viên công tác xã hội thực hiện ở các nước khác thì lại do công an và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện. Những cơ quan này không có đủ kỹ năng chuyên môn để giải quyết có hiệu quả tất cả các vấn đề xã hội dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.

Chuyên gia về trẻ em của UNICEF nhấn mạnh, chất lượng dịch vụ công tác xã hội và tính chuyên nghiệp của nghề công tác xã hội cũng không được bảo đảm. Luật Nghề công tác xã hội, nếu được ra đời, sẽ công nhận công tác xã hội là một nghề. Văn bản quy định trình độ chuyên môn của nhân viên công tác xã hội, thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn hành nghề dành cho nhân viên công tác xã hội nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ có chất lượng.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều chức năng, nhiệm vụ do nhân viên công tác xã hội thực hiện ở các nước khác thì lại do công an và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện. Những cơ quan này không có đủ kỹ năng chuyên môn để giải quyết có hiệu quả tất cả các vấn đề xã hội dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.

Do vậy, chuyên gia của UNICEF nhấn mạnh, Việt Nam cần có các giải pháp và kế hoạch để tăng cường vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là tư pháp với người chưa thành niên, trong Kế hoạch thực hiện Đề án quốc gia về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, chúng ta cũng cần xây dựng một kế hoạch tổng thể về tăng cường hệ thống tư pháp với người chưa thành niên. Việc tiếp tục tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em và cải thiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ trẻ em đang gặp rủi ro, trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trong đó có trẻ em vi phạm pháp luật, là cần thiết.

Công nhận vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp

Từ thực tế nêu trên, bà Lê Hồng Loan đề xuất, cần chính thức công nhận vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp, có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân việc công tác xã hội trong các luật liên quan như: Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự... Cùng với đó, cần xây dựng hướng dẫn chi tiết về vai trò của nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tính khả thi về mô hình cơ cấu và tổ chức cho nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp và chỉ định một bộ/cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nhân viên công tác xã hội trong hệ thống tư pháp.

Bà Loan cho rằng, có thể thực hiện, thí điểm mô hình nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp cho người chưa thành niên ở một số địa phương. Dựa trên kết quả thí điểm, xây dựng một kế hoạch từng bước mở rộng sự tham gia của nhân viên công tác xã hội vào hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên trên cả nước.

Bà Lê Hồng Loan cho biết, trên thế giới, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên xã hội là những lực lượng quan trọng trong hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên. Sự tham gia của nhân viên công tác xã hội là đặc biệt quan trọng để xử lý hiệu quả người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Nhiều hoàn cảnh dẫn tới trẻ em phạm tội mang tính chất xã hội và có liên quan tới những vấn đề phúc lợi xã hội.

Trên thế giới, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên xã hội là những lực lượng quan trọng trong hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên. Sự tham gia của nhân viên công tác xã hội là đặc biệt quan trọng để xử lý hiệu quả người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Nhiều hoàn cảnh dẫn tới trẻ em phạm tội mang tính chất xã hội và có liên quan tới những vấn đề phúc lợi xã hội.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em, UNICEF tại Việt Nam

Chẳng hạn, trẻ em vi phạm pháp luật thường sống trong những gia đình phải đối mặt với những khó khăn như: nghèo đói, bạo lực gia đình, lạm dụng rượu hoặc ma túy. Các em có thể bị đuổi học hoặc gặp khó khăn trong việc học tập; có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực của bạn bè hoặc thực hiện những hành vi rủi ro như: sử dụng ma túy hoặc chơi cờ bạc. Cán bộ công an, kiểm sát viên và thẩm phán thường không có kỹ năng, kinh nghiệm hay chức năng, nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề xã hội này một cách hiệu quả. Vì thế, họ cần cộng tác chặt chẽ với nhân viên công tác xã hội để hiểu và giải quyết những yếu tố rủi ro sâu xa góp phần gây ra hành vi của trẻ em.

Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn người chưa thành niên tái phạm là thông qua hỗ trợ có mục tiêu nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ (trong gia đình, trường học, bạn bè và sự phát triển cá nhân của người chưa thành niên) vốn đang góp phần vào hành vi vi phạm của các em. Điều này đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn về công tác xã hội để xác định một cách hiệu quả các rủi ro và nhu cầu của người chưa thành niên. Đồng thời, hợp tác trên tinh thần xây dựng với người chưa thành niên và cha mẹ các em để giải quyết những vấn đề này.

Một số mô hình ở các nước tổ chức hỗ trợ công tác xã hội cho hệ thống tư pháp với người chưa thành niên

* Phương án 1: Nhân viên công tác xã hội trực thuộc tòa án người chưa thành niên

Ở các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và các nước thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, bộ phận công tác xã hội nằm trong tòa án người chưa thành niên và thuộc thẩm quyền quản lý của thẩm phán chuyên trách về người chưa thành niên. Văn phòng của nhân viên công tác xã hội nằm tại trụ sở tòa án và họ cộng tác chặt chẽ với kiểm sát viên, luật sư bào chữa và các cán bộ tòa án khác ngay từ những giai đoạn đầu của quá trình tố tụng.

Trong mô hình này, có mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân viên công tác xã hội và tòa án. Nhân viên công tác xã hội đóng vai trò tích cực trong tố tụng tại tòa án bằng cách tư vấn cho thẩm phán áp dụng hình phạt hoặc biện pháp phù hợp nhất.

* Phương án 2: Bộ phận công tác xã hội thuộc Bộ Tư pháp

Ở các nước như Đức, Nga, Mỹ, Anh và hầu hết các nước thuộc địa cũ của Anh, nhân viên công tác xã hội tham gia hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên không trực thuộc tòa án mà thuộc một cơ quan hoặc tổ chức khác, phổ biến nhất là Bộ Tư pháp và Bộ chịu trách nhiệm về các vấn đề xã hội. Bộ phận này hoạt động độc lập với tòa án song tư vấn và hỗ trợ trong suốt quá trình tố tụng.

Ở Thái Lan, Papua New Guinea và một vài bang của Australia, Bộ Tư pháp có một cục “giám sát người chưa thành niên” hoặc “cải huấn tại cộng đồng”. Ở đó, có các cán bộ công tác xã hội được đào tạo chuyên môn ở cấp bang và cấp quận/huyện. Những nhân viên công tác xã hội này có trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xử lý trẻ em vi phạm pháp luật.

Trong mô hình này, nhân viên công tác xã hội không có văn phòng nằm trong trụ sở tòa án mà ở phòng tư pháp cấp huyện hoặc trung tâm tư pháp người chưa thành niên.

* Phương án 3: Nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên chuyên trách về tư pháp với người chưa thành niên trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm về các vấn đề xã hội

Trong mô hình này, nhân viên công tác xã hội tham gia hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên trực thuộc Bộ về các vấn đề xã hội. Mô hình này được sử dụng ở các nước như: Indonesia, Singapore, Philippines, Myanmar, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh và Fiji.

Ở một số nước, nhân viên công tác xã hội thông thường sẽ giải quyết tất cả các nhóm trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trong đó có trẻ em vi phạm pháp luật. Ở các nước khác, có nhân viên công tác xã hội chuyên trách (“cán bộ quản chế”) là những người được đào tạo chuyên môn về xử lý trẻ em vi phạm pháp luật.

Trong mô hình này, nhân viên công tác xã hội có văn phòng nằm trong phòng các vấn đề xã hội cấp quận, hoặc trung tâm dịch vụ xã hội chứ không phải trong trụ sở tòa án.

(Nguồn: UNICEF)