Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội.
Dự thảo Thông tư này quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công tác xã hội.
Thông tư dự kiến áp dụng đối với viên chức chuyên ngành công tác xã hội làm việc trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Đề xuất về mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội gồm có ba đối tượng.
Cụ thể là: Công tác xã hội viên chính (hạng II), mã số: V.09.04.01; Công tác xã hội viên (hạng III), mã số: V.09.04.02; Nhân viên công tác xã hội (hạng IV), mã số: V.09.04.03.
Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành công tác xã hội là có chuyên môn, nghiệp vụ và hiểu biết về ngành công tác xã hội, có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành công tác xã hội theo chương trình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành.
Đề xuất về mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội gồm có ba đối tượng: Công tác xã hội viên chính (hạng II), mã số: V.09.04.01; Công tác xã hội viên (hạng III), mã số: V.09.04.02; Nhân viên công tác xã hội (hạng IV), mã số: V.09.04.03.
Đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành công tác xã hội gồm sáu tiêu chuẩn.
Một là, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Hai là, đặt lợi ích của đối tượng là mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động nghề nghiệp, có ý thức bảo vệ lợi ích lâu dài và liên tục cho đối tượng; tôn trọng đời tư, quyền tự quyết và quyền bảo mật của đối tượng; khuyến khích, hỗ trợ đối tượng thực hiện những mục tiêu phù hợp.
Ba là, không lợi dụng mối quan hệ nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân ảnh hưởng đến công tác trợ giúp đối tượng.
Bốn là, tôn trọng, cởi mở, đoàn kết, đồng cảm và chia sẻ với các đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
Năm là, luôn thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
Sáu là, thường xuyên học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ công tác xã hội.
Dự thảo Thông tư cũng quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cụ thể của từng mã số, hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp.
Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành công tác xã hội phải căn cứ vào vị trí việc làm được giao và khả năng đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 19/8/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội. Trong đó, văn bản quy định mã số, phân hạng và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội gồm: Công tác xã hội viên chính (hạng II), công tác xã hội viên (hạng III) và nhân viên công tác xã hội (hạng IV).