Phát triển tốt hơn các cơ sở dịch vụ công tác xã hội

Trên toàn quốc hiện có 425 cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Con số này mới đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho khoảng 30% đối tượng.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: congtacxahoiquangninh.vn)
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: congtacxahoiquangninh.vn)

Mạng lưới mỏng, mới đáp ứng nhu cầu cho khoảng 30% đối tượng

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để tăng hiệu quả, chất lượng trợ giúp các đối tượng trợ giúp xã hội, thời gian qua, cơ quan này và Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình trung tâm công tác xã hội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng phối hợp Bộ Tài chính hỗ trợ cho khoảng 40 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội là 425 cơ sở. Qua đó, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho khoảng 30% đối tượng.

Tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội hiện đang làm việc tại các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới tại cấp xã có khoảng 35.000 người.

Phát triển tốt hơn các cơ sở dịch vụ công tác xã hội ảnh 1

Ngôi nhà Ánh Dương hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực giới tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: UNFPA)

Đến nay, rất nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội đã vận hành rất hiệu quả. Có thể kể đến: Trung tâm công tác xã hội của các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh… Các trung tâm này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng nghìn lượt đối tượng. Đó là các nhóm cụ thể như: đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác.

Khoảng 40 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội là 425 cơ sở. Qua đó, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho khoảng 30% đối tượng.

Các tỉnh, thành phố từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Công tác phối hợp các tổ chức quốc tế xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn đã triển khai tại một số tỉnh, thành phố. Có thể kể tới các địa phương như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Đến nay, đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; trong đó có 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 18 cơ sở tổng hợp.

Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng. Nổi bật như: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Thái Nguyên; Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần Việt Trì.

Các trung tâm bước đầu thực hiện mô hình kết hợp tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế để phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Đồng thời, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và xây dựng mô hình cơ sở phòng cho các cơ sở trợ giúp xã hội.

Hoạt động hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình gia đình cá nhân nhận nuôi và mô hình dạy nghề đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng triển khai nhiều địa phương. Thí dụ như tại Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, xây dựng mô hình cơ sở tạm lánh tại Bắc Giang, Thanh Hóa, Hưng Yên.

45 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần cung cấp các dịch vụ cho nhóm đối tượng này. Công suất tiếp nhận, chăm sóc và phục hồi chức năng đạt 13.000 đối tượng tại cơ sở.

Với tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng cho đối tượng, phần lớn các cơ sở liên kết với tiểu thương, tổ chức, cá nhân, tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho người tâm thần thông qua các nghề như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, sản xuất hương, vàng mã, giấy bản, trồng cây cảnh… Qua đó, góp phần tạo thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng. Với hoạt động này, có thể ghi nhận nỗ lực của các trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Sơn La, Việt Trì, Ninh Bình, Hà Nội và Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An (Hà Nội)…

Quan tâm vai trò của cộng tác viên công tác xã hội

Năm 2013, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã/phường, quy định nhiệm vụ chung, nhiệm vụ cụ thể và các yêu cầu về trình độ, năng lực của cộng tác viên công tác xã hội.

Đến nay, các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội, với số lượng khoảng 235 nghìn người.

Trong đó, có hơn 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp (phụ nữ, thanh niên, hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc, hội nông dân, liên đoàn lao động, cựu chiến binh); hơn 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…

Đến nay, các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội, với số lượng khoảng 235 nghìn người.

Đội ngũ này tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Hằng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành cùng hỗ trợ các trung tâm công tác xã hội xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội; cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương tại cộng đồng.

Đồng thời, chú trọng tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội thông qua các khóa tập huấn kỹ thuật. Nội dung tập huấn tập trung vào: vận hành mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quy trình về quản lý ca/quản lý trường hợp; quy trình phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; quy trình quản lý trường hợp người khuyết tật; nghiệp vụ chăm sóc, nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện mô hình sinh kế đối với nạn nhân bom mìn.