Thách thức khi chuyên nghiệp hóa công tác xã hội trong lĩnh vực y tế

Công tác xã hội trong y tế tại Việt Nam được triển khai sâu rộng tại bệnh viện các tuyến, bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa. Tuy nhiên để chuyên nghiệp hóa các hoạt động này, ngành y tế cần rất nhiều giải pháp đồng bộ và bài bản từ chính sách tới thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao quà cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Bạch Mai trong kỷ niệm Ngày Công tác xã hội 25/3/2022 (Ảnh: Molisa).
Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao quà cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Bạch Mai trong kỷ niệm Ngày Công tác xã hội 25/3/2022 (Ảnh: Molisa).

Mô hình công tác xã hội trong bệnh viện: Có nhưng chưa chuyên nghiệp

Trên thế giới, công tác xã hội trong y tế được hình thành và phát triển theo hướng chuyên nghiệp tại một số quốc gia như: Mỹ, Anh, Australia, Singapore, Philippines... Tại các cơ sở y tế, nhân viên công tác xã hội đã từng bước khẳng định vị thế, tầm quan trọng của nghề công tác xã hội và đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của cơ sở y tế thông qua việc hỗ trợ tâm lý-xã hội cho người bệnh, người nhà của họ và nhân viên y tế.

Ở Việt Nam, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 đánh dấu sự ra đời của công tác xã hội chuyên nghiệp. Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, công tác xã hội trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa ở các khía cạnh. Đó là hệ thống văn bản pháp luật; nguồn nhân lực; đào tạo, tập huấn và kết quả triển khai hoạt động về công tác xã hội trong y tế.

Theo thống kê từ Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), trường Đại học Y tế công cộng và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tính đến năm 2021, tại Việt Nam, các bệnh viện tuyến trung ương có tỷ lệ thành lập phòng/tổ công tác xã hội với tỷ lệ 100%. Tiếp đến là bệnh viện tuyến tỉnh với tỷ lệ 96,79%. Các bệnh viện tuyến quận/huyện có tỷ lệ thành lập thấp nhất, 89,86%.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 đánh dấu sự ra đời của công tác xã hội chuyên nghiệp. Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, công tác xã hội trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa ở các khía cạnh.

Tuy nhiên, cũng từ nghiên cứu này, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, dù tỷ lệ bệnh viện có quyết định thành lập phòng hay tổ công tác xã hội tương đối cao, nhưng việc triển khai hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện vẫn gặp khó khăn về vấn đề về nhân lực, tài chính, cũng như các vấn đề về cung cấp dịch vụ công tác xã hội để giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng bệnh tật…

Chính vì vậy, chỉ có ba hoạt động được các bệnh viện thực hiện nhiều nhất. Đó là: Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh; Thông tin, truyền thông, phố biến, giáo dục pháp luật và vận động tiếp nhận tài trợ. Các hoạt động từ thiện, công tác xã hội tại cộng đồng, đào tạo, bồi dưỡng về công tác xã hội hay tổ chức sinh hoạt định kỳ cho đội ngũ cộng tác viên ít được các bệnh viện tổ chức hơn.

Bên cạnh khó khăn khách quan, một trong những rào cản khiến mô hình công tác xã hội trong bệnh viện chưa đạt hiệu quả cao do chưa có khung chương trình, tài liệu tập huấn công tác xã hội cấp cao cho lãnh đạo phòng/tổ công tác xã hội trong bệnh viện; chưa có nhiều tài liệu đào tạo tập huấn chuyên sâu cho người làm công tác xã hội trong bệnh viện; thiếu chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội trong y tế.

Tính đến năm 2021, tại Việt Nam, các bệnh viện tuyến trung ương có tỷ lệ thành lập phòng/tổ công tác xã hội với tỷ lệ 100%.
Tiếp đến là bệnh viện tuyến tỉnh với tỷ lệ 96,79%. Các bệnh viện tuyến quận/huyện có tỷ lệ thành lập thấp nhất, 89,86%.

4 giải pháp phát triển công tác xã hội tại cơ sở y tế

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, công tác xã hội là bộ phận không thể thiếu tại các cơ sở y tế, đặc biệt trong bối cảnh các dịch bệnh mới phát sinh như đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực như: Singapore, Philippines, Thái Lan…, công tác xã hội trong y tế tại Việt Nam còn non trẻ, đang trong quá trình phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, cần phải tập trung đồng thời vào 4 giải pháp chính để chuyên nghiệp hóa các mô hình công tác xã hội tại các cơ sở y tế. Đó chính là: Hệ thống văn bản pháp luật về công tác xã hội trong y tế; Nhân lực; Đào tạo, tập huấn về công tác xã hội trong ngành y tế; Có kế hoạch và tổ chức các hoạt động công tác xã hội tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật được xem là giải pháp hàng đầu cần lưu tâm, nhất là việc sớm ban hành Luật Công tác xã hội. Cũng cần có văn bản cụ thể về chế độ đãi ngộ, phụ cấp nghề/phụ cấp độc hại đối với người làm công tác xã hội, dành cho nhân viên y tế làm kiêm nhiệm công tác xã hội, cộng tác viên thuộc mạng lưới công tác xã hội tại cơ sở khám, chữa bệnh…

Bên cạnh đó, ngành y tế cần có sự đầu tư đúng mức cho nguồn nhân lực công tác xã hội, chú trọng vào công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên công tác xã hội…

Người lao động cần có chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, mã ngạch viên chức phù hợp để có nhân viên công tác xã hội được đào tạo chính quy, chuyên trách đảm nhận và thay thế cho các đối tượng khác hiện đang làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội bệnh viện: Bác sĩ, điều dưỡng, đa ngành lĩnh vực y tế - xã hội học.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần phải tập trung đồng thời vào 4 giải pháp chính để chuyên nghiệp hóa các mô hình công tác xã hội tại các cơ sở y tế. Đó chính là: Hệ thống văn bản pháp luật về công tác xã hội trong y tế; Nhân lực; Đào tạo, tập huấn về công tác xã hội trong ngành y tế; Có kế hoạch và tổ chức các hoạt động công tác xã hội tại cơ sở khám, chữa bệnh.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế)

Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao trình độ chuyên môn cho người làm công tác xã hội. Các cơ sở đào tạo có thể mở các khóa đào tạo chuyên ngành, kỹ năng chuyên sâu cho nhân viên công tác xã hội như: Tâm lý người bệnh, kỹ năng ứng phó khủng khoảng, các phương pháp can thiệp của công tác xã hội (quản lý ca, công tác xã hội nhóm, tham vấn tâm lý...); Hỗ trợ cho nhóm đối tượng cụ thể (người khuyết tật, người cao tuổi, người bị bệnh ung thư, trẻ em…). Đồng thời, cần chuẩn hóa các tài liệu, xây dựng các ấn phẩm truyền thông, sổ tay hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội, biên soạn tài liệu chuyên sâu về công tác xã hội trong y tế.

Giải pháp cuối cùng chính là xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động công tác xã hội tại cơ sở khám, chữa bệnh theo từng giai đoạn, xây dựng quy trình chuẩn liên quan đến hỗ trợ người bệnh. Ngành y tế cũng cần ban hành quy chế phối hợp giữa phòng công tác xã hội và khoa/phòng/ban trong các cơ sở khám, chữa bệnh, xây dựng mô hình công tác xã hội phù hợp cho từng phân hạng bệnh viện, theo từng vùng miền.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nhằm tăng tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số được tư vấn, hỗ trợ về công tác xã hội, phát triển mô hình liên kết phối hợp giữa các bệnh viện với nhiều nhà hảo tâm trong hoạt động hỗ trợ giúp đỡ người bệnh có điều kiện khó khăn… Đây cũng sẽ là những hướng triển khai để hỗ trợ hoạt động công tác xã hội được hiệu quả.