Kiến nghị bổ sung quy định hệ quả pháp lý sau hiệu lực thông báo thu hồi đất
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua nghiên cứu dự thảo trình tại kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải quyết được nhiều các vấn đề lớn có ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 6, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích các bên trong quan hệ đất đai.
Theo đó, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm rõ nét; nhiều chế định mới khắc phục được các vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Góp ý một số nội dung hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Ánh Sương cho hay, về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 85), tại khoản 5, Điều 85 dự thảo quy định: Hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất. Trong thời gian này, tài sản gắn liền với đất được tạo lập không được bồi thường khi thu hồi đất (quy định tại khoản 2, Điều 105).
Đại biểu nên băn khoăn, sau thời hạn 12 tháng từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất mà chưa thu hồi đất thì quyền của người sử dụng đất như thế nào.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, luật hiện hành chưa quy định vấn đề này nên trên thực tế xảy ra vướng mắc, có nhiều dự án, cơ quan chức năng ra thông báo thu hồi đất nhưng việc bồi thường, di dời tái định cư chậm, kéo dài qua nhiều năm.
“Thông báo thu hồi đất ‘treo lơ lửng’, người dân không được xây dựng, tách thửa…, gây ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi”, đại biểu Ánh Sương nêu thực tế.
Thông báo thu hồi đất "treo lơ lửng", người dân không được xây dựng, tách thửa…, gây ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người có đất bị thu hồi.
Đại biểu Quốc hộiHuỳnh Thị Ánh Sương
Cho rằng điều này cần được quy định cụ thể, nữ đại biểu đề nghị bổ sung quy định hệ quả pháp lý sau hiệu lực thông báo thu hồi đất để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.
Ngoài ra, về điều kiện thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất tại khoản 7, Điều 45, dự thảo quy định: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 (không quá 3ha đối với tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố khác) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
Tán thành quy định này, tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế sẽ khó khăn cho người dân trong thực hiện theo quy định. Mặt khác, pháp luật doanh nghiệp cho phép cá nhân thành lập tổ chức kinh tế hoặc hoạt động theo hình thức đăng ký hộ kinh doanh.
Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét quy định đối với cá nhân thì quy định có phương án sử dụng đất trồng lúa là phù hợp, không bắt buộc phải thành lập tổ chức kinh tế để thuận lợi cho người dân và phù hợp với pháp luật doanh nghiệp.
Cần bổ sung quy định về điều kiện đưa vào dự án thu hồi đất
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trao đổi về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản đã hoàn chỉnh, có thể thông qua được. Tuy nhiên, có một số điểm cần phải điều chỉnh.
Chẳng hạn như quy định của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu, còn trong luật hiện hành cũng đã đưa ra quyền của Hội đồng nhân dân các địa phương phải đưa tiêu chí để xem những dự án nào phải đấu giá, đấu thầu để điều tiết được lợi ích về lợi tức, địa tô và tạo môi trường cạnh tranh. Tuy nhiên dự án thì phải do Nhà nước thu hồi đất.
Tạo thuận lợi nhất cho người dân tái định cư khi thu hồi đất
“Không có lẽ gì chúng ta giao cho nhà đầu tư đấu thầu sau khi trúng thầu thì nhà đầu tư lại phải đi thỏa thuận với người dân. Điều này là không khả thi. Do vậy, điều kiện để đưa vào dự án thu hồi đất, tôi cho rằng cần phải bổ sung thêm”, đại biểu nêu kiến nghị.
Cũng theo đại biểu Cường, những vấn đề liên quan tái định cư, bồi thường và hỗ trợ người dân có việc làm thì trong quy định hiện nay cũng đã khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cũng cần phải có những điều kiện kèm theo, thí dụ như phải thu hồi thêm được loại đất để tạo việc làm cho người dân, hoặc phải quy định rất rõ các tiêu chí về khu đô thị mới như thế nào để bảo đảm những khu tái định cư phải đạt được cái tiêu chí là nơi sống mới có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
“Tôi kỳ vọng rằng các đại biểu Quốc hội sẽ có sự đồng tâm để đóng góp ý kiến hoàn thiện đối với những điểm nhỏ như kể trên để thông qua được dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Giải quyết thấu đáo các khúc mắc của luật hiện hành trước khi thông qua
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đánh giá cao các cơ quan liên quan đã có sự tiếp thu, lắng nghe để điều chỉnh dự án luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 6 có 27 điểm còn phải thảo luận do nhiều vấn đề đưa ra để lựa chọn còn có 2 hoặc 3 phương án, nhưng tại kỳ họp này, Ban soạn thảo đã đưa ra dự thảo trình Quốc hội chỉ có 1 phương án.
Các đại biểu sẽ xem xét xem các phương án đã khả thi hay chưa, trong đó nhất là phần gây tranh cãi nhất tại Kỳ họp thứ 6 liên quan nhà ở thương mại, dịch vụ thì khoản 27, Điều 79 lần này đã rất rõ ràng - thu hồi đất để làm dự án nhà ở thương mại nhưng chỉ khi dự án đó là khu đô thị, và Ban soạn thảo chỉ đưa 1 phương án. Đại biểu Huân cho rằng vấn đề này đã rất minh bạch, rõ ràng, thể hiện sự tiến bộ trong tiếp thu, lắng nghe để điều chỉnh dự án luật quan trọng này.
“Tôi cho rằng, dưới góc nhìn về nhu cầu của đời sống kinh tế xã hội, các ngành nghề mà Luật Đất đai chi phối, quyết tâm chính trị của các đại biểu Quốc hội đều rất mong muốn thông qua luật này”, đại biểu cho biết.
Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Bình Dương cũng cho rằng, nhiều vấn đề đã được thống nhất so với kỳ họp trước, nhưng vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật mang tính căn bản cần được xem xét thấu đáo. “Nếu thông qua mà luật không giải quyết được các khúc mắc của Luật Đất đai hiện hành thì việc sửa đổi luật lại là một vấn đề”, đại biểu Huân nêu rõ.
Đồng thời, đại biểu cũng cho biết, Nghị quyết 18 cũng quy định rõ phải giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng, bất cập của luật hiện nay. Do đó, nếu không giải quyết các vấn đề này mà thông qua luật thì cũng không phải là một phương cách tốt nhất. Vấn đề này còn phụ thuộc vào việc Quốc hội còn thảo luận và các cấp thẩm quyền xem xét và quyết định.