Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ ưu, nhược điểm từng phương án, đề xuất phương án tốt nhất

NDO - Với các nội dung có 2 phương án xin ý kiến trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo và các cơ quan cần tập trung làm rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 16/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều hành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, nhiều vấn đề cụ thể đã được quy định chi tiết, cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, chưa thông qua luật tại Kỳ họp thứ 6

Theo Chủ tịch Quốc hội, chất lượng dự án luật đã được nâng lên một bước rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn 22 nội dung còn có phương án khác nhau, cần xin ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đối với các vấn đề có 2 phương án xin ý kiến, đề nghị rút gọn lại thành một phương án, trong đó nêu rõ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến Chính phủ về các nội dung này.

“Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo và các cơ quan cần tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Liên quan đến quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Điều 28, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chọn phương án 1: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở…, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần viết lại cho phù hợp.

Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ ưu, nhược điểm từng phương án, đề xuất phương án tốt nhất ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 87, Chủ tịch Quốc hội cho biết các đại biểu cơ bản đồng tình với các quy định tại nội dung này, phù hợp với Nghị quyết 18 về tái định cư, tuy nhiên cần đặt vấn đề bảo đảm tái định cư cho người dân.

Về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan đều đồng tình với các nội dung của dự thảo Luật. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, mà chuyển sang xem xét, thông qua vào kỳ họp gần nhất của năm 2024.

Đề xuất cấm nhận chuyển nhượng đất đã cấp lần 2 cho đồng bào dân tộc

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, về nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, đối với đất cấp lần 2 cho đồng bào dân tộc, nếu để tiếp tục xảy ra tình trạng chuyển nhượng, mua bán, thì sẽ khó khăn cho sinh kế của đồng bào.

Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ ưu, nhược điểm từng phương án, đề xuất phương án tốt nhất ảnh 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ một số nội dung. (Ảnh: DUY LINH)

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị cấm người nhận chuyển nhượng đất của đồng bào dân tộc đã cấp lần 2, để bảo đảm công bằng, bình đẳng cũng như bảo đảm sinh kế cho đồng bào dân tộc.

Cũng quan tâm đến quy định về đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, đối với diện tích đã được cấp lần hai, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ trong luật không được cấp nữa.

Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nếu người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam thì cần được đối xử bình đẳng.

Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ thống nhất cao với phương án: người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ ưu, nhược điểm từng phương án, đề xuất phương án tốt nhất ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, đây là một bước đổi mới mạnh mẽ, thực hiện chủ trương của Nghị quyết 36 nhằm thu hút sự đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cả kiều hối và đầu tư, tham gia đóng góp để phát triển đất nước.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, phối hợp hiệu quả của Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó có ý kiến góp ý của Ban Kinh tế Trung ương về việc khắc phục tình trạng đất lãng phí, đất suy thoái, về những hành vi bị nghiêm cấm, quyền chung của người sử dụng đất, điều tra đánh giá đất đai, bảo vệ cải tạo phục hồi đất…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, hệ trọng nên cần đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu; đề nghị Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Chính phủ đối với những nội dung đã được thảo luận tại phiên họp.