Giá thực phẩm ổn định
Ghi nhận tại các chợ bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như chợ Bến Thành, Tân Ðịnh (quận 1), chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Hoàng Hoa Thám (Tân Bình)..., giá một số loại rau củ vẫn ổn định và chưa có dấu hiệu tăng so với tháng trước. Cà chua vẫn giữ giá 14.000 đồng/kg, cải xanh, rau muống 12.000 đồng/kg, bí đỏ 15.000 đồng/kg... Tương tự, các loại thực phẩm tươi sống vẫn giữ giá ổn định: Thịt lợn ba chỉ, thịt đùi có giá dao động từ 80.000 đến 85.000 đồng/kg, sườn non lợn 100.000-130.000 đồng/kg, thịt thăn bò giá 200.000-280.000 đồng/kg, cá nục giá ở mức 60.000 đồng/kg, cá thu 130.000 đồng/kg...
Theo các tiểu thương tại những chợ này, sở dĩ mức giá được giữ ổn định là do hiện nay sức mua yếu cho nên các tiểu thương cũng phải giữ giá, thậm chí giảm giá để bán được hàng, tiểu thương cũng không dám lấy hàng nhiều vì sợ bán không hết hàng.
Trong khi đó, tại các chợ đầu mối về rau củ, thực phẩm tươi sống như chợ đầu mối nông sản Thủ Ðức, chợ đầu mối Bình Ðiền (Hóc Môn)..., hiện cũng chưa có sự biến động nào về giá cả. Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Ðức Nguyễn Thanh Hà cho biết: Lượng hàng về chợ đầu mối vẫn dồi dào, ổn định và sức mua giảm khoảng 20-30% nên không có sự tăng giá đột biến, chỉ có các sản phẩm về chợ lẻ mới bị "gánh nặng" do giá xăng dầu tăng.
Vận tải chưa tăng giá
Sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu, ngay sau đó sẽ có tác động ít nhiều tới các mặt hàng khác, trong đó tác động mạnh và ảnh hưởng trực tiếp nhất là ngành vận tải. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp vận tải tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tăng giá, bởi hầu hết cho rằng, ngành vận tải đang gặp khó khăn và ế ẩm.
Chủ tịch Hiệp hội ta-xi TP Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ cho biết, sau hai lần xăng tăng giá, xét thấy đủ điều kiện tăng giá vận chuyển hành khách, song do tình hình kinh tế nói chung đang khó khăn, vì vậy các hãng ta-xi cố gắng kiềm giá. Tuy nhiên, nếu có đợt tăng giá xăng tiếp theo, sẽ khó tránh khỏi việc tăng giá cước ở lĩnh vực vận chuyển hành khách. Tương tự, Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh Thái Văn Chung cho rằng, giá xăng tăng khoảng 3-5% đã đủ điều kiện tăng giá cước vận tải hàng hóa, nhưng việc tăng giá cước vận tải hay không và tăng mức bao nhiêu cần phải dựa vào hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp vận tải với khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chưa có doanh nghiệp nào đưa kiến nghị tăng giá cước.
Bên cạnh đó, không ít chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong tháng 7 sẽ hình thành mặt bằng giá mới bởi nhiều yếu tố tác động đến như lộ trình tăng giá xăng, ga, điện, nước, dịch vụ y tế... và cả việc tăng lương căn bản cho cán bộ, công nhân, viên chức được áp dụng từ ngày 1-7. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá cao do sức mua trên thị trường vẫn thấp. Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh PGS,TS Nguyễn Văn Trình cho rằng, theo quy luật thị trường, sau một thời gian tăng giá xăng, ga, lương tối thiểu..., sắp tới sẽ kéo theo các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng giá. Tuy nhiên, do sức mua trên thị trường yếu nên nếu tăng giá cũng tăng không đáng kể.
Phát huy các điểm bán hàng bình ổn giá
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nhìn chung sức mua của thị trường còn yếu nên các mặt hàng chưa thể tăng giá ngay lúc này. Sở đã chỉ đạo các ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát khi có đột biến về giá cả. Khu vực nào sốt hàng, tăng giá sẽ đưa hàng bình ổn tới để ổn định thị trường. Hiện nay, lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá khá dồi dào, giá cả của những mặt hàng bình ổn cũng ổn định, các điểm bán hàng bình ổn đang ngày được nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Chương trình bình ổn giá đã phát triển được 7.317 điểm bán, trong đó chỉ tính riêng chương trình lương thực, thực phẩm đã có 3.062 điểm bán và có 52 điểm bán sâu trong ngõ, hẻm phục vụ tận nơi cho người dân. Ðến nay, tất cả 24 quận, huyện đều đã có siêu thị, cửa hàng tiện ích bán hàng bình ổn giá, hàng bình ổn giá cũng đã đến các khu công nghiệp - khu chế xuất và 19 bếp ăn tập thể phục vụ khoảng 70.000 công nhân.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Ðào cho biết: Với việc song song thực hiện chương trình bình ổn giá và chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần giúp thành phố kiềm chế lạm phát, điều tiết giá hữu hiệu, dẫn dắt giá cả thị trường trên địa bàn thời gian qua. Thực tế tại các siêu thị hiện nay, lượng hàng Việt luôn chiếm từ 90 đến 95%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố cũng thấp hơn cả nước (sáu tháng đầu năm tăng 0,78% so với cả nước tăng 2,4%), chưa để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, sốt hàng... Mặt khác, qua những chương trình này cũng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và vùng nguyên liệu, tiêu thụ hàng nông sản và cung cấp hàng hóa, sản phẩm phục vụ tiêu dùng cho người dân các tỉnh lân cận.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sáu tháng đầu năm ước đạt 288.912 tỷ đồng, tăng 11% (cùng kỳ tăng 21%); nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,1% (cùng kỳ tăng 8,9%). Lượng hàng hóa khá dồi dào, nguồn cung bảo đảm, sức tiêu thụ hàng hóa của người dân đang dần được cải thiện, nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng giá cả năm 2013 tăng thấp (CPI sáu tháng năm 2013 tăng 0,78% so với cùng kỳ tăng 2,05%).