Thêm cơ hội mua lương thực, thực phẩm giá rẻ

Ngành công thương TP Hồ Chí Minh cùng hệ thống bán lẻ hiện đại đang tăng thời gian phục vụ, thêm hình thức bán hàng, giảm giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để phục vụ và chăm sóc người tiêu dùng tốt hơn trong thời gian thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Người dân mua thực phẩm bình ổn giá tại một siêu thị Co.opmart trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Người dân mua thực phẩm bình ổn giá tại một siêu thị Co.opmart trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Các chuỗi bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile… đã triển khai giảm giá từ 15% đến gần 50% đối với hơn 2.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như: Thủy sản, rau, củ, quả, trái cây, các loại sữa, sản phẩm vệ sinh cá nhân, sản phẩm diệt khuẩn, hóa phẩm…

Theo đại diện Saigon Co.op, trong nhiều tháng qua, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị này đã trợ giá nhiều mặt hàng và bù lỗ cho nhiều chi phí phát sinh để hỗ trợ người dân. Trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, phần lớn người dân đến siêu thị là để mua thực phẩm tươi sống; trong khi đây là ngành hàng có mức lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm hàng này đang được siêu thị bù lỗ do chi phí tăng thêm từ việc tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt... Các mặt hàng bình ổn giá cũng được Saigon Co.op bù lỗ để giữ giá ổn định.

Cùng với đó, hàng loạt chi phí lớn phát sinh trong thời gian có dịch cũng gây nhiều khó khăn cho siêu thị như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, lái xe; chính sách cho người lao động; phí giao hàng tăng cao và hàng loạt siêu thị phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19... khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm.

Tuy vậy, Saigon Co.op cam kết vẫn nỗ lực hết sức để giữ và giảm giá hàng hóa, chuẩn bị tốt các nguồn hàng hóa thiết yếu để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Tăng cường phối hợp các đoàn thể, địa phương để đưa hàng hóa đến các hộ dân, khu cách ly, bệnh viện dã chiến hiệu quả hơn trong trong khoảng thời gian từ ngày 16/8 đến 15/9/2021.

Thành phố đã cho phép người giao hàng được hoạt động liên quận - huyện và sức mua đã ổn định cho nên một số hệ thống siêu thị đã đẩy mạnh trở lại hoạt động bán hàng trực tuyến. Từ ngày 16/8, Aeon Việt Nam đã mở lại kênh bán hàng qua điện thoại của hai siêu thị Aeon Tân Phú và Aeon Bình Tân. Theo đó, khách hàng có thể gọi điện hoặc nhắn tin qua zalo đến các số điện thoại dịch vụ khách hàng của hai siêu thị này để đặt hàng. Aeon Việt Nam cũng sẽ chuẩn bị mở lại kênh đặt hàng trên ứng dụng mua hàng qua mạng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Các hệ thống bán lẻ khác như MM Mega Market, Lotte Mart, Big C... cũng mở lại dịch vụ giao hàng liên quận - huyện (trước đó chỉ giao hàng mua qua mạng tại quận - huyện có siêu thị trú đóng). Các hệ thống bán lẻ hiện đại và cửa hàng thực phẩm cũng sắp được bổ sung nguồn cung thịt heo tươi sống từ Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) khi Vissan sẽ tổ chức giết mổ heo trở lại từ ngày 20/8 (từ cuối tháng 7 do có người lao động nhiễm Covid-19 và chuyển sang giết mổ heo gia công ở nơi khác).

Phó Tổng Giám đốc Vissan Nguyễn Đăng Phú cho biết: “Từ ngày 20/8 chúng tôi sẽ chủ động hơn nguồn cung thịt heo tươi sống. Trong vài ngày đầu Vissan sẽ giết mổ từ 200 đến 300 con mỗi ngày, sau đó tăng lên, tùy thuộc lực lượng lao động đủ điều kiện làm việc và nhu cầu của thị trường”…

Mô hình “siêu thị mi-ni di động” trên xe buýt cũng được Sở Công thương thành phố tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng. Mới đây, hệ thống kinh doanh rau, củ, quả và trái cây Grove Fresh đã đưa vào khai thác, phục vụ người dân thêm ba “siêu thị mi-ni di động” trên xe buýt được cải tạo, nâng tổng số “siêu thị mi-ni di động” của đơn vị này lên con số bốn. Trên các “siêu thị mi-ni di động” này bày bán nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu được bình ổn giá.

Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, mô hình này là một phần trong chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân thành phố, tham gia “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực, thực phẩm cho thành phố”. Sau một tháng, chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” đã thực hiện 1.635 điểm bán với 2.108 lượt xe bán hàng lưu động trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức, đưa lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu với chất lượng bảo đảm, giá cả bình ổn đến người dân.

Chương trình đã được nhân rộng với nhiều mô hình mới, sáng tạo, linh hoạt, từ những chiếc xe tải bán hàng thông thường đến các xe buýt bán thực phẩm lưu động và nay là những xe buýt được cải tạo, lắp đặt kệ thành các “siêu thị mi-ni di động”, mang đầy đủ lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu với giá cả bình ổn phục vụ người dân.

Từ ngày 16/8, ngoài việc tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực, thực phẩm cho thành phố”, Sở Công thương tiếp tục phát động chương trình “Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng” thông qua tổ chức kết nối các đơn vị cung ứng, các tỉnh và thành phố khác để đưa nông sản, thực phẩm phân phối trực tiếp đến người dân tại từng địa bàn dân cư cũng như cho bà con tại các khu phong tỏa theo chương trình “Bán hàng đồng giá”. Từ đó, giúp người dân được mua sắm và sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm tươi, chất lượng bảo đảm với giá cả hợp lý.