Tập trung chỉnh trang đô thị...
Dẫn đứa cháu ngoại đang chập chững tập đi dọc bờ kênh Nước Đen, bà Trần Thị Thanh Hòa (ngụ Đường 19, phường Bình Hưng Hòa A) cho hay: “Chiều nào tôi cũng đưa tụi nhỏ ra đây dạo bộ, buổi sáng, đi hết một vòng hai bờ kênh để tập thể dục”. Bà Hòa chia sẻ thêm, giữa năm 2018, tại cuộc họp tiếp xúc cử tri, quận Bình Tân thông báo thành phố chuẩn bị thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đường, kênh Nước Đen.
Hàng trăm hộ dân đã vỗ tay reo mừng vì con kênh nối giữa quận Tân Phú, Bình Tân vốn ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải, nước thải quanh năm, nay sắp được hồi sinh. Từ đó đến nay, sau gần bốn năm công trình được thi công, hoàn thành đã dần thay đổi diện mạo của hai phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A. Công trình có chiều dài gần 3 km đường giao thông mở rộng lộ giới, vỉa hè khang trang, lắp đặt lan can, cây xanh trồng hai bên tuyến kênh.
Hiện nhiều công trình giao thông, cải tạo hạ tầng trọng yếu đang dần hình thành ở phường Bình Hưng Hòa A, nơi có 125.000 dân, được xem là phường có dân số đông nhất thành phố. Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bình Hưng Hòa A chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền quận luôn quan tâm cùng thành phố đầu tư về mọi mặt đã làm thay đổi diện mạo đô thị, nhất là nâng cao hơn nữa đời sống dân sinh.
Khi tuyến đường huyết mạch Tân Kỳ-Tân Quý hoàn thành trong năm 2023, Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ hoàn tất di dời trong năm 2025, nơi đây sẽ trở thành công viên cây xanh, công cộng. Cùng với công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị, quận Bình Tân đã triển khai đồng bộ các chương trình quản lý đô thị: Chỉnh trang, phát triển đô thị, phát triển nhà ở, giảm ngập nước; giảm ô nhiễm môi trường, cấp phép xây dựng, số nhà, cấp giấy chứng nhận nhà, đất.., góp phần phát triển và quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt.
Cụ thể, năm 2007 quận đã hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 với 37 đồ án trên diện tích 5.202,09 ha (đạt 100%); phát triển thêm 40 dự án nhà ở với 8.014 nền nhà ở riêng lẻ, 29 dự án chung cư với 18.378 căn hộ (trong đó, có ba dự án nhà ở xã hội đã được đầu tư, đưa vào sử dụng với tổng số căn hộ 2.763 căn), đáp ứng cơ bản về nhu cầu nhà ở cho người dân theo kịp với tốc độ phát triển dân số.
Phát triển toàn diện, bền vững
Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng đô thị, quận Bình Tân còn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, phát triển văn hóa-xã hội bền vững. Qua 20 năm, quận đã đầu tư xây dựng 45 trường công lập, nâng tổng số lên 69 trường. Thời gian tới, quận sẽ tập trung triển khai hoàn thành đề án xây dựng trường lớp, bảo đảm đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học trước năm 2030.
Năm 2011, quận xây dựng hoàn chỉnh đưa vào sử dụng ba Trung tâm Văn hóa-Thể thao liên phường (gồm Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa và Tân Tạo); năm 2019 đã xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm Văn hóa-Thể dục-Thể thao, diện tích gần 6.000 m2 để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được tăng cường, nâng cao chất lượng, đạt 26 giường bệnh, 14,5 bác sĩ/10.000 dân…
Đồng chí Huỳnh Khắc Điệp, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Bình Tân cho biết: Phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chăm lo đời sống tinh thần người dân, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững của quận là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng bộ và chính quyền quận đặt ra.
Trong giai đoạn mới, Bình Tân có lợi thế địa chính trị và dư địa phát triển rất lớn. Nắm bắt, tận dụng thời cơ khi thành phố đang khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, quận Bình Tân sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ, giải quyết tốt môi trường, an sinh xã hội nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân; chuyển đổi công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng kinh tế địa phương.
Tập trung quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình, công trình trọng điểm phát triển quận: Dự án Khu trung tâm dân cư Tân Tạo có diện tích 475,66 ha, sẽ khởi công trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành trước năm 2030; dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có diện tích 40,69 ha, phấn đấu hoàn thành công tác bốc mộ trong năm 2025, triển khai thực hiện hoàn thành các công trình công cộng và công viên cây xanh tập trung quy mô lớn trong năm 2027; dự án Khu dân cư Vĩnh Lộc (khoảng 100 ha) và dự án cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp rác Gò Cát (khoảng 25 ha)...
Tháng 11/2003, quận Bình Tân được thành lập trên cơ sở ba xã Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo và thị trấn An Lạc thuộc huyện Bình Chánh, có diện tích 5.202 ha, gồm 10 phường với 254.635 nhân khẩu. Đảng bộ Quận được thành lập ngày 26/11/2003 với 1.411 đảng viên. Đến nay, dân số quận là 811.979 người (tăng 318,88%). Trên địa bàn quận có ba khu công nghiệp và Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam.