Tháo điểm nghẽn cho mô hình chính quyền đô thị

Mục đích cuối cùng khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là phục vụ người dân tốt hơn. Sau hơn một năm triển khai, mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn về thể chế, chính sách gây ách tắc, quá tải trong việc giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục hành chính tại thành phố Thủ Đức. (Ảnh Sỹ Hưng)
Người dân làm thủ tục hành chính tại thành phố Thủ Đức. (Ảnh Sỹ Hưng)

Đánh giá về hiệu quả sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 (có hiệu lực ngày 1/7/2021) của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị (gọi tắt là Nghị quyết 131), đại diện các quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh đều cho rằng, mô hình chính quyền đô thị đã phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ và quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm. Bộ máy nhà nước đã được tổ chức tinh gọn, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách. Cùng với đó, chính quyền từ thành phố đến quận, phường và thành phố Thủ Đức đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, đa số cán bộ được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng, cơ bản làm tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, mục đích cuối cùng khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là phục vụ tốt người dân, nhưng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2021 của thành phố lại tụt hậu. Cùng với đó, việc phân cấp ủy quyền cho thành phố Thủ Đức vốn được kỳ vọng rất nhiều nhưng thực sự cũng không có gì mới; các đề án đô thị thông minh, chuyển đổi số đều bị ách tắc do không nằm trong danh sách ưu tiên nên không bố trí được vốn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Quận 8 Nguyễn Thanh Sang chia sẻ, việc phân bổ cán bộ, công chức UBND các phường khi thực hiện chính quyền đô thị bình quân thấp hơn so với trước, chưa phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số và đặc điểm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quản lý hạ tầng. Những vấn đề này ảnh hưởng đến công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 90/249 phường có dân số từ 30.000 người trở lên; trong đó 12 phường có dân số từ 75.000 người đến dưới 100.000 người, đặc biệt ba phường có dân số trên 100.000 người. Mật độ dân số của thành phố bình quân là 14.000 người/km2, tại các quận khu vực trung tâm lên tới 37.000 người/km2. Nếu tính bình quân, thì dân số mỗi phường tại thành phố là hơn 28.000 người, gấp gần 1,9 lần theo quy định (15.000 dân) tại Điều 8, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Tính bình quân, một cán bộ, công chức làm việc tại phường ở Thành phố Hồ Chí Minh đang phục vụ tới 1.343 người dân. Nơi đông nhất như phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (125.894 dân) năm 2021, bình quân một cán bộ, công chức tham mưu 628 văn bản/năm, 52 văn bản/tháng; một cán bộ, công chức giải quyết 3.241 hồ sơ/năm, 270 hồ sơ/tháng.

Theo các chuyên gia đô thị, điểm nghẽn lớn nhất về xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh chính là thể chế pháp lý. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình chưa có tiền lệ nên thể chế dành cho chính quyền đô thị tại thành phố chưa thật sự hoàn thiện. Ngay cả mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa có nghị định, quy định rõ ràng, riêng biệt về thẩm quyền, chức năng; một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Nghị quyết số 131 chưa cụ thể, trong khi khối lượng công việc của thành phố Thủ Đức rất lớn, số lượng biên chế lại giảm, nhưng thẩm quyền chỉ ngang với các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND Quận 3, công tác quản lý, điều hành ngân sách không đáp ứng kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội tại địa phương. Nguyên nhân là do quận, phường không còn là một cấp ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 131 của Quốc hội. Đặc biệt, nếu phát sinh các nhiệm vụ chi ngoài dự toán thì thủ tục khá phức tạp. Quận phải báo cáo Sở Tài chính trình UBND thành phố, rồi UBND thành phố báo cáo và trình HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Điều này không đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh phí cho quận, phường thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về an sinh xã hội...

Từ những vướng mắc đang phát sinh trong quá trình triển khai mô hình chính quyền đô thị, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các sở, nghành, địa phương trong thời gian tới cần đánh giá toàn diện những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết số 131 trên địa bàn thành phố. Để giải quyết công việc của người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn, các sở, ngành cần đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, mở rộng cung cấp các loại dịch vụ công. Mặt khác, các đơn vị cũng tham mưu trình UBND thành phố ban hành hướng dẫn, phân cấp ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa để các địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Quận 8 kiến nghị UBND thành phố đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cho các phường trên địa bàn thành phố phù hợp với quy mô dân số của từng địa phương; kiến nghị bộ, ngành Trung ương hướng dẫn quy trình cho phép UBND quận thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc như cấp ngân sách trước đây. Điều này nhằm bảo đảm tính chủ động, kịp thời cho UBND quận trong công tác điều hành ngân sách.