Thành phố Thủ Đức hướng tới hệ sinh thái số

Thành phố Thủ Đức đang phát triển hệ sinh thái số với ba trụ cột chính: Hệ thống Kho dữ liệu dùng chung, Hệ thống thông tin tác nghiệp địa lý, Hệ sinh thái dữ liệu mở.
0:00 / 0:00
0:00
Kiosk màn hình cảm ứng giúp người dân tương tác trực tiếp các thông tin và dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử của phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức.
Kiosk màn hình cảm ứng giúp người dân tương tác trực tiếp các thông tin và dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử của phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức.

Đây là ba hợp phần quan trọng tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, kết cấu hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức một cách hiệu quả.

Hiện tại, thành phố Thủ Đức chưa có kho dữ liệu dùng chung. Các dữ liệu chưa được chuẩn hóa, số hóa và chưa có sự chia sẻ rộng rãi giữa các đơn vị, phòng, ban, làm cơ sở cho việc liên thông về nghiệp vụ, đơn giản thủ tục hành chính. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm, thống kê, báo cáo tự động, làm hạn chế hiệu quả hoạt động và khả năng phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản trị, điều hành, ra quyết định.

Do đó, việc triển khai xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS (thông tin địa lý) dùng chung tại địa bàn thành phố Thủ Đức là cần thiết, giúp các phòng chuyên môn quản lý hiệu quả hơn, trực quan hơn, đồng thời cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho doanh nghiệp và người dân, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố Thủ Đức đã phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hai năm qua, kể từ khi được thành lập, thành phố Thủ Đức làm được một số công việc trong thực hiện đô thị thông minh và chuyển đổi số. Tuy nhiên, một trong những vấn đề rất lớn và rất mới là quản lý dựa trên công nghệ GIS. Thành phố Thủ Đức với quy mô số dân 1,2 triệu người, cho nên yêu cầu quản lý nhà nước phục vụ người dân, trong đó có việc sử dụng các công nghệ về GIS, các công nghệ khác là rất cần thiết.

Theo các chuyên gia, hệ thống GIS dùng chung cho phép lưu trữ và quản lý dữ liệu không gian từ nhiều nguồn, chẳng hạn như nhật ký GPS, hình ảnh vệ tinh, bản đồ số…

Cho nên, hệ thống này là một công nghệ hữu ích trong quản lý, lưu trữ, xử lý, tích hợp dữ liệu đô thị có tọa độ với các dạng dữ liệu khác nhau. Hệ thống GIS ngày càng được sử dụng phổ biến ở các lĩnh vực thì mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống GIS là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong quản lý, thống kê, báo cáo, ra quyết định của lãnh đạo, tạo sự đồng bộ, thống nhất cơ sở dữ liệu, tối ưu các dịch vụ công, hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là giảm các quy trình thủ tục, rút ngắn được thời gian và chi phí thực hiện.

Hệ thống GIS cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp khai thác, chia sẻ các thông tin pháp lý, thông tin quy hoạch xây dựng, đô thị. Còn với người dân, hệ thống GIS có thể hỗ trợ tra cứu thông tin về chính sách, pháp luật, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn, phản ánh kịp thời những vi phạm, bất cập và thúc đẩy người dân tham gia công tác quản lý đô thị.

Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tin học-Bản đồ Việt Nam cho rằng: Với hệ thống GIS, mọi người dân có thể truy cập thông qua trình duyệt web, cho phép người dùng làm việc từ xa và truy cập dữ liệu, phân tích từ bất kỳ vị trí nào có kết nối internet.

Cho phép người dùng chia sẻ, cộng tác trên dữ liệu không gian và phân tích, cho phép nhiều người dùng làm việc đồng thời trên cùng một dự án. Ngoài ra, hệ thống GIS có thể tích hợp với các hệ thống khác, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu và ứng dụng phần mềm để cung cấp quy trình công việc và trao đổi dữ liệu một cách liền mạch…

Các nhà khoa học cho rằng, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị trên nền tảng GIS dùng chung tại địa bàn thành phố Thủ Đức là một đóng góp lớn cho quá trình chuyển đổi số của thành phố Thủ Đức nói riêng, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Cho nên, thành phố Thủ Đức cần phát triển hệ sinh thái số dựa trên nền tảng GIS là nhu cầu cấp bách, nhất là trong bối cảnh dữ liệu về không gian địa lý của địa phương này đang nằm rời rạc ở các phòng, ban…

Trước mắt, thành phố Thủ Đức nên rà soát, đẩy mạnh số hóa dữ liệu và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu dùng chung để phục vụ trong quản lý đô thị và phát triển kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, thành phố Thủ Đức chia sẻ, để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS, thành phố Thủ Đức tập trung xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở.

Thu thập, quản lý, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của các sở, ban, ngành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các phòng, ban thuộc thành phố Thủ Đức. Cùng với đó, Thủ Đức phát triển cơ sở dữ liệu GIS của các lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư, y tế, kinh tế, tư pháp, giáo dục và đào tạo, tôn giáo… Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám hỗ trợ quản lý các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực khác…