Thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn nhà đầu tư Singapore

Hiện, Singapore là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư gần 14 tỷ USD. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp lớn của Singapore đầu tư vào các lĩnh vực mà địa phương này đang ưu tiên đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các doanh nghiệp Singapore tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện các doanh nghiệp Singapore tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư và là nước đầu tư lớn thứ hai trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1.557 dự án được triển khai, tổng mức đầu tư 13,6 tỷ USD. Lũy kế từ năm 1988 đến nay, thành phố có hơn 10.830 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới, tăng vốn hơn 55,40 tỷ USD.

Thành phố hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số dự án nước ngoài còn hiệu lực. Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: Có được thành quả nêu trên là nhờ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự tin cậy giữa hai nước. Ngoài ra, lợi thế chính trị ổn định, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và minh bạch, dân số đông, kinh tế tăng trưởng tốt, lao động có tay nghề, sự cần cù của người lao động... là các yếu tố giúp cho Việt Nam, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Singapore.

Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thành phố tiếp tục mời gọi đầu tư 197 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xử lý môi trường, chống ngập, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa... Trong đó, thành phố ưu tiên thu hút nhà đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Thu hút nhà đầu tư về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa...

Ông Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư (ITPC) cho hay: Với vị thế trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thành phố có đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại. Đồng thời, cùng các địa phương lân cận, thành phố đã và đang khẩn trương xây dựng hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để thành phố kết nối tốt hơn trục hành lang trong khu vực và quốc tế. Cũng theo ông Vinh, thành phố luôn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, về hạ tầng công nghiệp, thành phố có 17 khu công nghiệp, hai khu chế xuất đi vào hoạt động với tổng quy mô diện tích khoảng 4.000ha.

Về hạ tầng thương mại, thành phố có hạ tầng thương mại hiện đại và rộng khắp với gần 240 chợ, khoảng 210 siêu thị, gần 50 trung tâm thương mại... Hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại của thành phố tiếp tục được các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư mở rộng không ngừng, nhất là các trung tâm logistics lớn của các tập đoàn đa quốc gia đã, đang được đầu tư để hướng đến hình thành trung tâm phân phối hàng hóa lớn cho cả vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Một trong những thuận lợi lớn nhất của thành phố là nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với hơn 4,6 triệu lao động trẻ và đầy nhiệt huyết. Đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Amy Wee, Giám đốc Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cho rằng, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn rất nhiều nhờ các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam ngày càng thông thoáng. Các doanh nghiệp Singapore cũng mong muốn được kết nối đầu tư trong các lĩnh vực mà Singapore có thế mạnh như công nghệ thông tin, ngân hàng và tài chính, dịch vụ bán lẻ, dầu khí, xây dựng hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, vận tải và cung ứng...

Trong 197 dự án, thành phố mời gọi đầu tư 20 dự án tiêu biểu. Cụ thể, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh) với tổng chiều dài khoảng 50km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 15.900 tỷ đồng; dự án xây dựng đường trên cao số 5 đi qua các địa bàn thành phố Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 15.400 tỷ đồng; dự án cầu Thủ Thiêm 3 kết nối thành phố Thủ Đức và quận 4 với tổng mức đầu tư dự kiến 5.377 tỷ đồng; dự án đường vành đai 4 đi qua các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu với chiều dài khoảng 200km, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 59.300 tỷ đồng; dự án Trung tâm dịch vụ công nghệ cao ở thành phố Thủ Đức với quy mô 3ha, tổng mức đầu tư dự kiến 2.174 tỷ đồng...