Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Các Phó Trưởng Ban gồm 3 thành viên. Đó là các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội (Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi", ngày 5/10/2024. (Ảnh TRẦN HẢI) |
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên gồm các đồng chí: Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Tài chính; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Xây dựng; Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Văn Thanh Thứ trưởng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn: Tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để đến hết ngày 31/12/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn: Tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để đến hết ngày 31/12/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành; sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao, bảo đảm không tăng biên chế của Bộ được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Ban Chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong thời gian qua, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Tính từ năm 2000 đến 2023, với sự tham gia tích cực của các lực lượng quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát cả nước còn khoảng 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng.
Theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững của Liên hợp quốc, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ đột phá và mang tính cách mạng. Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nhân văn sâu sắc, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người bị thiên tai, hỏa hoạn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cho người nghèo, người yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau, giúp người dân ổn định cuộc sống và có điều kiện thoát nghèo.
Trên tinh thần đó, ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên quy mô cả nước”. Hiện nay, chúng ta đang trong chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Mục tiêu đặt ra là trong năm 2025 phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn) do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên.
Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỷ đồng.
Trước đó, trong các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tháng 1 năm 2022, có Dự án 5 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo”.
Mục tiêu của Dự án 5 này nhằm hỗ trợ nhà ở cho khoảng 100.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Đối tượng thụ hưởng của Dự án gồm có hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.
Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.
Nội dung hỗ trợ tập trung vào xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Tổng nhu cầu vốn thực hiện là 8.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương: 4.000 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); ngân sách địa phương: 1.000 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); vốn huy động hợp pháp khác: 3.000 tỷ đồng.