Gia cảnh của chị V.T.C. (sinh năm 1980), dân tộc Nùng ở thôn Cầu Đá, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) khiến nhiều người thương cảm. Chị là mẹ đơn thân, không nghề nghiệp, sức khỏe kém, khó khăn trong vận động. Con trai chị sinh năm 2010 nhưng mắc bệnh tim bẩm sinh, khi mới được 1 tuổi đã phải phẫu thuật.
Cuộc sống của hai mẹ con vô cùng vất vả nhưng chị luôn cố gắng cho con đi học, không vì hoàn cảnh mà nghỉ học sớm. Chị C. nói: “Các kỳ học, con tôi đều được hỗ trợ học phí, nhà trường còn miễn giảm nhiều khoản khác nên tôi bớt đáng kể chi phí. Thấy được sự quan tâm của Nhà nước, địa phương và các thầy cô, tôi luôn động viên con cố gắng học tốt, chăm ngoan. Không chỉ con tôi mà con em các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn thiệt thòi đều được các cấp chính quyền hỗ trợ về học phí giúp các học sinh yên tâm đi học, rèn luyện.
Ở thôn Cầu Đá hiện còn 7 hộ nghèo, con em các gia đình này đều được hỗ trợ khi đi học. Gia đình anh P.Đ.T. (sinh năm 1986) có 3 con đang đi học, cháu lớn nhất học lớp 9, con út học mẫu giáo 5 tuổi, trong khi đó anh là lao động tự do, việc làm không ổn định, vợ anh luôn đau yếu, thường xuyên đi bệnh viện. Dù còn nhiều vất vả nhưng anh chị dành điều kiện tốt nhất để các con đi học, theo anh T., nếu không có sự hỗ trợ, miễn giảm học phí, cơ hội để các con anh theo học sẽ giảm đi, khó theo được các bạn.
Những năm qua, Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chính sách về hỗ trợ giáo dục-đào tạo, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2024, toàn huyện thực hiện chính sách miễn học phí cho 2.716 học sinh thuộc hộ nghèo với số tiền 1,472 tỷ đồng; giảm học phí cho 2.971 học sinh thuộc hộ cận nghèo, số tiền 1,204 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 4.975 học sinh với tổng số tiền 4,776 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ giáo dục-đào tạo cho học sinh, sinh viên con hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đã động viên, khích lệ, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo, cận nghèo, giúp các em học sinh, sinh viên yên tâm học tập.
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo trong giáo dục đào tạo được triển khai hiệu quả cao ở Lạng Giang. |
Bên cạnh đó, huyện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về y tế, trợ giúp pháp lý, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về tiền điện sinh hoạt... Gia đình anh V.V.L. (sinh năm 1985), dân tộc Nùng ở thôn Cánh Phượng, xã Hương Sơn (Lạng Giang) là một thí dụ. Con gái anh là cháu V.T.V. (sinh năm 2009) bị suy tủy xương, chi phí phẫu thuật ghép tủy, điều trị nhiều năm trời khiến gia đình kiệt quệ.
Hiện nay, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ với mức tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Việc hằng tháng được hỗ trợ tiền điện tuy không nhiều nhưng với gia đình anh là hết sức thiết thực.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, huyện Lạng Giang đã rà soát, hỗ trợ tiền điện cho 6.953 hộ nghèo (riêng 2024 có 1.311 hộ) và 988 hộ chính sách bảo trợ xã hội với tổng kinh phí 4,86 tỷ đồng.
Bắc Giang thực hiện nhiều dự án giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Qua các năm, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội về tiền điện luôn được thực hiện tốt, bảo đảm đúng thời gian, đối tượng và mức quy định, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo.
Những chính sách hỗ trợ nêu trên góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện Lạng Giang từ 0,5-1%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đáng kể qua từng năm, nếu như năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo là 3,29% thì năm 2023 còn 2,24%, dự kiến năm 2024 còn 1,36% hộ nghèo.
Thời gian tới, huyện Lạng Giang tiếp tục dồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội.