Tạp chí Sức khỏe trẻ em ra mắt bộ mới

NDO - Ngày 21/10, tại Hà Nội, Tạp chí Sức khỏe trẻ em (Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) tổ chức lễ ra mắt bộ mới Tạp chí sức khỏe trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu ấn nút khởi động Tạp chí.
Các đại biểu ấn nút khởi động Tạp chí.

Tham dự lễ ra mắt có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ngô Sách Thực, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam...

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe trẻ em, Tiến sĩ, Nhà báo Trần Doãn Tiến, Tạp chí Sức khỏe trẻ em tiền thân là Tạp chí Tình thương và Cuộc sống. Kể từ số đầu (tháng 9/2003), sau 21 năm hình thành và phát triển đã từng bước hoàn thành được sứ mệnh của mình là tuyên truyền, vận động những tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ trẻ em khuyết tật hoàn nhập cộng đồng.

Tạp chí Sức khỏe trẻ em ra mắt bộ mới ảnh 1

Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe trẻ em, Tiến sĩ, Nhà báo Trần Doãn Tiến phát biểu tại buổi lễ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, nhất là công nghệ làm báo hiện đại 4.0, đòi hỏi phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, mới có thể đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các Công ước Liên hiệp quốc về chăm sóc, bảo vệ quyền của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng đi vào cuộc sống. Đặc biệt là tuyên truyền hiệu quả các hoạt động định hướng, tư vấn chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục giúp trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Xuất phát từ bối cảnh đó, Ban Biên tập đã triển khai xây dựng Đề án đổi mới, đổi tên Tạp chí Tình thương và Cuộc sống thành Tạp chí Sức khỏe trẻ em. Ngày 6/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Giấy phép số 289/GP-BTTTT về hoạt hoạt động của Tạp chí Sức khỏe trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử, với tên miền https://suckhoetreem.vn. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống- tiền thân của Tạp chí Sức khỏe trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Tạp chí Sức khỏe trẻ em ra mắt bộ mới ảnh 2

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trao Giấy phép hoạt động của Tạp chí Sức khỏe trẻ em.

Tiến sĩ, Nhà báo Trần Doãn Tiến cho biết thêm, Tạp chí sẽ đổi mới đồng bộ, toàn diện về hình thức nội dung trên cả hai ấn phẩm in và điện tử. Điểm nhấn, tạo bước đột phá trong lộ trình phát triển thời gian tới là Tạp chí ưu tiên thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Tạp chí Sức khỏe trẻ em điện tử bao gồm 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh, với giao diện, công nghệ, ứng dụng, tiện ích hiện đại như trí tuệ công nghệ nhân tạo AI, các tiện ích làm báo, tạp chí mới đa nền tảng, báo chí di động, báo chí dữ liệu.

Trong đó, Tạp chí in sẽ được kết cấu gồm các chuyên mục chính như: Vấn đề quan tâm, định hướng công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em; tin tức- sự kiện; sức khỏe; nghiên cứu trao đổi; vượt lên tật nguyền và chính sách pháp luật. Tạp chí điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, ngoài các chuyên mục như Tạp chí in sẽ có thêm một số chuyên mục có tính điểm nhấn như: sự kiện và bình luận; ngóng 24h; thế giới tuổi thơ; cuộc sống số; tư vấn online; hỏi- đáp online và Media… Đáng chú ý, toàn bộ nội dung tin, bài trên các chuyên mục sẽ được thường xuyên tạo các điểm nhấn để lan tỏa các bài viết chuyên sâu, chuyên ngành về lĩnh vực trẻ em và phòng ngừa tật nguyền và chăm sóc, chữa trị, giáo dục khuyết tật.

Phát biểu ý kiến tại Lễ ra mắt, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam gửi lời chúc mừng đến lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Tạp chí sức khỏe trẻ em sau 21 năm đã có bước đi mới; đồng thời bày tỏ sự tin tưởng Tạp chí sẽ đáp ứng được sự mong đợi của công chúng bạn đọc thời gian tới.

Tạp chí Sức khỏe trẻ em ra mắt bộ mới ảnh 3

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi lễ.

Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, cách làm báo hiện nay là cách làm báo không chạy theo sự chú ý quá nhiều của mọi người, hay nói cách khác là "câu view". Mà cách báo hiện nay, là đi sâu vào những nội dung truyền cảm hứng, mang lại những cái nhìn điều tốt đẹp của xã hội. Trong khi đó, đối tượng của của Tạp chí là các trẻ em, trẻ em khuyết tật, với tôn chỉ, mục đích mang lại tiếng cười cho trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tin rằng, Tạp chí Sức khỏe trẻ em còn rất nhiều dư địa để truyền tải những câu chuyện xúc động, những câu chuyện hay, những tấm gương, mô hình tốt. Từ đó không chỉ giúp đỡ các trẻ em hiểu biết về những chính sách dành cho trẻ em, nhất là trong việc bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em, những mầm xanh quý giá của xã hội.

Để xây dựng Tạp chí Sức khỏe trẻ em trở thành một trong những cơ quan báo chí truyền thông hàng đầu về chăm sóc sức trẻ em khuyết tật, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Tạp chí phải đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và người dân về công tác trẻ em khuyết tật.

Tạp chí Sức khỏe trẻ em ra mắt bộ mới ảnh 4
Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi lễ.

Tạp chí cần đề cao tính nhân văn trong từng bài viết, đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động xã hội ý nghĩa, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa yêu thương và sự chia sẻ của cộng đồng; phát hiện, nhân rộng, cổ vũ các nhân tố mới, các điển hình tập thể, cá nhân trong công tác chăm sóc trẻ em, trẻ em khuyết tật. Vận động tập hợp, tiếp nhận sự giúp đỡ, đóng góp về vật chất và tinh thần của các cá nhân, tập thế, các tổ chức xã hội, từ thiện, nhân đạo trong và ngoài nước để thực hiện tốt các hoạt động tổ chức khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp và tạo việc làm miễn phí cho trẻ em khuyết tật.

Phản biện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em tàn tật là diễn đàn, nơi giao, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, phản hồi ý kiến của bạn đọc về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em; tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe; sự quan tâm chăm lo của các thầy thuốc, cơ sở y tế, bệnh viện, các nhà thuốc và trường học, các trung tâm bảo trợ xã hội đối với trẻ em tàn tật. Đồng thời, tham gia, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; nghiên cứu các chuyên đề, các đề tài khoa học, đề án phục vụ công tác của Tạp chí và nhiệm vụ công của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.