Mưa lớn trong hai ngày 21,22/10 cùng với triều cường đã làm đoạn bờ biển thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế bị sạt lở nhiều điểm với tổng chiều dài hơn 1,7km. Trong đó, đoạn sạt lở trước đập Hòa Duân dài hơn 500m, ăn sâu vào đất liền hơn 100m. Đây là con đập được đắp sau khi nước lũ xé đôi dãy đất bãi ngang mở cửa biển mới vào năm 1999.
Sau khi có thông tin về sạt lở, lãnh đạo tỉnh, huyện, ngành nông nghiệp, các ban ngành liên quan, các cơ quan chuyên môn đã liên tục xuống thị sát, đưa ra ý kiến xử lý để hạn chế tình trạng xói lở, bảo vệ bãi cát bồi dài 250m còn lại trước đập Hòa Duân. Việc xử lý tập trung vào phương án là đắp thêm vật cản làm giảm tác động của sóng, gió để hạn chế tình trạng sạt lở trước mắt.
Không thể chậm trễ, từ trưa ngày 22/10, những tiếng phèn la hối thúc đã vang từ đầu làng đến cuối xóm. Gần trăm thanh niên địa phương đã theo tiếng phèn la, tập trung tại khu vực sạt lở để cùng bộ đội biên phòng đắp đê chắn sóng.
Cầu vận tải từ kho của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến điểm sạt lở đã được thành lập khẩn trương để đưa hàng nghìn mét vải lọc, đá, rọ sắt, áo phao, phao cứu hộ xuống hiện trường.
Ba chiếc máy xúc gàu lớn cùng hàng chục xe tải lớn cũng đã được huy động. Tiếng cơ động của máy móc, tiếng hò hét, hối thúc khẩn trương của lực lượng ứng cứu đã át cả sóng đang đập dồn dập vào bờ.
Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận từ hai ngày qua đã túc trực bên điểm sạt lở để theo dõi, báo cáo tìm hướng xử lý. Ông Dân cho biết, từ khi được hàn khẩu, đây là lần đầu tiên trong 23 năm qua bờ biển trước đập Hòa Duân bị sạt lở. Hiện tại, không thể thống kê hết đã có bao nhiêu lượt phương tiện được huy động cứu bờ biển. Chỉ biết gần 1.000m3 đá các loại đã được bà con, lực lượng vũ trang bằng tay không sắp xếp, chất dọc theo bờ biển để giảm tác động của sóng gió.
Thông tin về cơn bão số 6 có thể ảnh hưởng đến đất liền cũng đã được chính quyền địa phương cập nhật đến lực lượng ứng cứu bờ biển xã Phú Thuận. Không ai nói ai, mọi người đặt quyết tâm bám trận địa khắc phục sạt lở. Hàng chục thùng mì tôm, nước mắm, bánh mì đã được chuyển đến. Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, Bí thư huyện ủy Phú Vang Trần Gia Công cũng lúc xông ra hiện trường, lúc lui vào phụ bếp nấu mì gói để bà con luân phiên lót dạ. Những bát nước mắm cũng đã được bà con chuyền tay, nhấp từng ngụm để giữ ấm.
Anh Trần Lê Thanh, thanh niên địa phương cho biết, đợt lụt năm 1999 đã "xé đôi" mảnh đất này, đẩy rất nhiều người làng ra biển. Phải cố gắng lắm, nhà nước và dân địa phương mới đắp được đập Hòa Duân để nối liền dãy đất bãi ngang, giúp ổn định môi trường phá Tam Giang, bảo vệ sự đa dạng của các loài tôm cá. Vì vậy, bà con cũng như anh Thanh đã quyết tâm dồn sức bảo vệ bằng được dãy đất trước đập Hòa Duân này.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước mắt là huy động lực lượng tại chỗ để gia cố, hạn chế sạt lở tại điểm đang bị xói lở nặng. Trong một hai ngày tới, tỉnh sẽ có phương án xử lý tiếp theo. Về lâu dài, chắc chắn phải có một phương án khác cho điểm sạt lở này.
Phú Thuận đang có mưa lớn. Gió, cát và cả sóng biển đang thay nhau quất vào gần trăm con người đang ngâm mình trong mưa gió nỗ lực vá bờ biển. Từ 17 giờ, khi trời vừa chuyển sang sẩm tối, chính quyền địa phương đã cho kéo điện, cùng bà con địa phương, lực lượng vũ trang hạ quyết tâm hoàn thành việc gia cố điểm xung yếu ngay trong đêm. Cố gắng cùng với chính quyền cấp huyện, tỉnh giữ được dãy đất ven biển trước đập Hòa Duân qua cơn bão số 6 sắp đến.
Đoạn kè đá tạm thời của gần trăm con người căng mình trước biển, đêm nay sẽ được thành hình.