Hội nghị nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời thông tin về tình hình chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Hồ Hồng Hải, nhấn mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là quá trình đấu tranh lâu dài, cần phải kết hợp sức mạnh nội lực của quốc gia, kết hợp sự ủng hộ từ quốc tế và quan trọng là bảo đảm giữ vững hòa bình, ổn định trên thực địa và tuân thủ pháp lý quốc tế.
Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo. (Ảnh: CÔNG VINH) |
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe tình hình biên giới và công tác thực thi pháp luật của bộ đội biên phòng trên biên giới; một số nội dung về chính sách, pháp luật về biển, đảo trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ tại hội nghị, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Giang, Trưởng phòng Công pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, từ tháng 10/2023 đến 10/9/2024, lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng đã phát hiện, xác minh 404 tàu cá có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, có 20 tàu cá đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, xử phạt 453 triệu đồng.
Đến nay tại thành phố Đà Nẵng chưa phát hiện các trường hợp vi phạm nghiêm trọng khai thác IUU (chưa có tàu cá của thành phố vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; gửi, vận chuyển thiết bị VMS; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài).
Đà Nẵng xử lý nghiêm trường hợp tàu cá vi phạm theo quy định của pháp luật
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Giang cho biết, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là công tác thực thi pháp luật chống khai thác IUU trong thời gian tới để tạo những chuyển biến đột phá, sớm gỡ “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Hồ Hồng Hải nêu rõ, việc giải quyết các thách thức ở Biển Đông sẽ đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao phù hợp, các nỗ lực hợp tác trong khu vực và cam kết duy trì các chuẩn mực quốc tế.
Việt Nam kiên trì theo đuổi, tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác biển dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển bằng các chính sách cụ thể.