Chuyện an cư ở xứ Kinh Bắc

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã dành ưu tiên cao độ cho phát triển nhà ở xã hội, nhằm giải bài toán an cư cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp,...
0:00 / 0:00
0:00
Nhà trẻ trong Khu nhà ở xã hội bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghiệp, xã Ðông Tiến, huyện Yên Phong.
Nhà trẻ trong Khu nhà ở xã hội bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghiệp, xã Ðông Tiến, huyện Yên Phong.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã và đang thực hiện 54 dự án nhà ở xã hội; trong đó, có 29 dự án đã hoàn thành hoặc đang thi công, 25 dự án ở bước chuẩn bị đầu tư xây dựng, với tổng diện tích đất khoảng 173 ha. Các dự án khi hoàn thành dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu mét vuông sàn với hơn 77.000 căn hộ cho khoảng 231.000 người.

Với kết quả khả quan, xứ Kinh Bắc là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác này. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực tiễn vẫn phát sinh nhiều khó khăn, trở ngại, cần được các cơ quan, đơn vị chức năng tìm ra điểm đột phá, khơi thông “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Điểm sáng về an sinh

Khi dọn về ở trong căn hộ sạch đẹp, thoáng mát, bảo đảm an ninh, an toàn của khu nhà ở xã hội Thống Nhất (phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh), đối với gia đình anh chị Dương Công Sơn và Trần Thị Thơ, niềm vui quá lớn khiến mọi người cứ ngỡ như trong mơ. Chị Thơ chia sẻ: “Với giá tiền vừa phải và có chính sách ưu đãi, được vay vốn mức lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay tối đa có thể lên tới 25 năm, gia đình tôi mới mạnh dạn tìm hiểu, tiếp cận đăng ký mua nhà ở xã hội. Các cụ bảo “an cư mới lạc nghiệp”, về ở trong căn nhà của mình, vợ chồng tôi thấy yên tâm hẳn, cuộc sống đỡ áp lực hơn, làm việc cũng hiệu quả hơn”.

Trong số 54 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, có 33 dự án dành cho người thu nhập thấp (23 dự án đã hoàn thành và hoàn thành một phần, 10 dự án đang triển khai); 21 dự án dành cho công nhân (8 dự án đã hoàn thành và hoàn thành một phần, 13 dự án đang triển khai). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn đang triển khai thực hiện dự án Khu thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Yên Phong, quy mô 4,28 ha, hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khi hoàn thiện sẽ đáp ứng khoảng 900 căn hộ cho khoảng 2.800 người.

Theo Ðề án “Ðầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/2023/QÐ-TTg, tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển 30.600 căn hộ giai đoạn I (2021-2025) và 41.500 căn hộ giai đoạn II (2026-2030).

Trong giai đoạn I, tỉnh đã hoàn thành 10 dự án, đáp ứng khoảng 6.000 căn hộ; 15 dự án đã cấp phép xây dựng, đang thực hiện đầu tư xây dựng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 10.500 căn hộ; 23 dự án đang bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thực hiện đầu tư xây dựng, đáp ứng khoảng 49.500 căn hộ, vượt hơn 60% so với chỉ tiêu đề ra...

Để có kết quả nêu trên, tỉnh luôn nhất quán xác định phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Trung ương ban hành, tỉnh còn nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách riêng nhằm hỗ trợ về nguồn vốn và các thủ tục hành chính, đầu tư, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và đối tượng chính sách xã hội.

Ðào Quang Khải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh

Qua rà soát, tỉnh đã bố trí trong các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 350 ha đất phát triển nhà ở xã hội, khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 120.000 căn hộ.

“Tỉnh còn lập danh mục thu hút đầu tư, giao Sở Xây dựng chủ trì, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi riêng nhằm phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp như miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ về tín dụng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực dự án,…

Với quyết tâm nêu trên, tỉnh phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu phát triển hơn 30.000 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 và hơn 40.000 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030 theo Ðề án 338 nêu trên”, đồng chí Ðào Quang Khải nhấn mạnh.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Tỉnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, hiện tại, đã có hai dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi với số hạn mức được duyệt vay là 170 tỷ đồng. Mới đây, dự án Khu nhà ở xã hội thuộc dự án Khu đô thị mới Quế Võ (tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, nhu cầu vay khoảng 650 tỷ đồng) đã đáp ứng đủ điều kiện để vay gói 120.000 tỷ đồng và được khởi công xây dựng.

Mặc dù dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội, song việc triển khai dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ðơn cử, dự án Khu nhà ở xã hội cho người lao động làm việc trong Khu công nghiệp xã Ðông Tiến (huyện Yên Phong) và Khu nhà ở và dịch vụ cho cán bộ, công nhân viên Khu công nghiệp Yên Phong, tại xã Ðông Phong (huyện Yên Phong) quy mô diện tích 51 ha do Tổng công ty Viglacera đầu tư đang gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Ðến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành 1.581 căn hộ chung cư, nhưng mới bán và cho thuê được khoảng 200 căn hộ. Theo phản ánh, sở dĩ dự án triển khai chậm và bị tồn đọng số lượng lớn căn hộ là do dự án chỉ cho đối tượng công nhân khu công nghiệp nơi có dự án được thuê, mua nhà ở xã hội, trong khi các đối tượng khác cũng là công nhân, người lao động của doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, nhưng không phải ở nơi có dự án thì không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội,…

Ðáng chú ý, gần đây, đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng sau khi mua nhà ở xã hội đã cho người nước ngoài vào sinh sống, thông qua các hình thức kết hôn với người nước ngoài, cho người nước ngoài thuê, ở nhờ,... Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: Sở đã đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội căn cứ hợp đồng mua bán, cho thuê và các quy định của pháp luật tổ chức kiểm tra, rà soát, thu hồi các căn hộ nếu phát hiện chủ hộ mua, bán, cho thuê trái quy định. Ðồng thời, phối hợp với Ban quản trị tòa nhà, các cơ quan chức năng liên quan yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân chấm dứt việc mua bán, cho thuê lại căn hộ trái quy định pháp luật trước ngày 31/10.

Ðã có nhiều ý kiến phản ánh của người dân, công nhân,… cho rằng cơ chế ưu đãi chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất hợp lý, chưa hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, các ưu đãi phần lớn mới chỉ tập trung hỗ trợ người mua, thuê, thuê mua nhà, trong khi quy định về điều kiện, thủ tục mua nhà ở xã hội còn nhiều rào cản.

Một số trường hợp đã được Sở Xây dựng phê duyệt đủ điều kiện, nhưng khi làm thủ tục để vay Ngân hàng Chính sách xã hội thì vẫn bị đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu khác như: Thu nhập trong 3 tháng gần nhất không thuộc diện đóng thuế thu nhập, chỉ xét duyệt công nhân trong khu công nghiệp,…

Ðại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch, kịp thời gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý vận hành các công trình nhà ở xã hội. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, công khai giá bán, giá cho thuê tại các dự án nhà ở xã hội để người dân được mua đúng giá phê duyệt, ngăn chặn tình trạng trục lợi,…

Tháng 9 vừa qua, khi kiểm tra dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: Bảo đảm “an cư, lạc nghiệp” là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn nhân lực, phục vụ quá trình đưa Bắc Ninh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô.

Bắc Ninh cần tạo cơ chế, chính sách về vốn vay, đất đai, giá bán nhà ở phù hợp hơn cho công nhân, người thu nhập thấp, song phải bảo đảm các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,… như dự án nhà ở thương mại, để người dân được thụ hưởng cảnh quan, không gian đô thị hiện đại, đồng bộ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.