Nhờ đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến, làm ăn lâu dài và góp sức cùng Hà Tĩnh nỗ lực vươn lên trong giai đoạn mới.
Tạo sinh kế bền vững
Sau 13 năm về khu tái định cư mới, cuộc sống của gia đình ông Trịnh Quốc Vinh ở tổ dân phố Hồng Hải, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) khấm khá hơn nhiều so với trước. Ông nhớ lại: Ngày nhận được thông báo di dời, giải phóng mặt bằng, nhường đất cho dự án xây dựng Khu Liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, các thành viên trong gia đình ông rất băn khoăn, lo lắng. Chưa nói đến tâm trạng khi phải chia tay nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nghĩ đến cuộc sống sau này ở nơi mới, gia đình không khỏi bất an.
Được cấp ủy chính quyền địa phương tuyên truyền, thông báo cụ thể về kế hoạch tạo sinh kế ở khu tái định cư mới, các gia đình mới an tâm và chấp nhận di dời tài sản, nhà cửa về khu tái định cư, bắt đầu gây dựng cuộc sống mới. “Mình là đảng viên, không “đi đầu, bước trước” để làm gương thì bà con biết nghe ai”, ông Vinh nhấn mạnh. Nghĩ là làm, sau khi hoàn thành công tác kiểm đếm, nhận tiền bồi thường, ông là một trong những hộ dân đầu tiên nhận đất, xây nhà ở khu tái định cư tại tổ dân phố Hồng Hải ngày nay.
Trong căn nhà bề thế rộng hơn 250 m2, ông Vinh vui vẻ kể cho chúng tôi về cuộc sống hạnh phúc tại khu tái định cư. Hàng trăm ngôi nhà khang trang, thoáng đãng xây dựng theo ô bàn cờ với đầy đủ hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sạch,… kết nối liên thông, đáp ứng nhu cầu “an cư, lạc nghiệp” của các hộ dân. Niềm vui của các hộ dân như được nhân đôi khi chủ đầu tư dự án Khu Liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương phối hợp với chính quyền địa phương tiếp nhận lao động trong độ tuổi đi đào tạo và bố trí việc làm ổn định ngay tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Phương Nguyễn Đình Thành cho biết, không riêng gì gia đình ông Vinh, cuộc sống của gần 1.000 hộ dân ở khu tái định cư Kỳ Phương đã thay đổi hoàn toàn so với trước đó. Sinh kế được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện. Từ một địa phương thuần nông, phường Kỳ Phương đã hoàn thành 44/52 tiêu chí đô thị văn minh. Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Kỳ Anh Dương Trí cho biết, trong tổng số 40.500 lao động trong độ tuổi của địa phương, hiện có hơn 13.000 lao động đang làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng, chiếm gần 80% số lao động. Cùng với các dự án mới đi vào hoạt động tại khu kinh tế, bình quân mỗi năm, địa phương đã giới thiệu thêm hơn 2.000 việc làm mới cho người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thế Anh cho biết, từ năm 2015 đến nay, địa phương thực hiện 172 dự án giải phóng mặt bằng, tổng diện tích hơn 1.550 ha, phạm vi ảnh hưởng gần 14.000 hộ dân, trong đó hơn 1.400 hộ phải di dời, tái định cư. Nhờ thực hiện phương châm tái định cư đi trước một bước, quá trình thu hồi đất của dự án nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân. Nhiều hộ dân bày tỏ mong muốn được nhận tiền đền bù sớm để bàn giao mặt bằng, chuyển đến nơi ở mới, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Người dân an tâm vì biết trước cuộc sống nơi mình chuyển đến sẽ tốt hơn. Thị xã Kỳ Anh đã trở thành vùng kinh tế năng động, đầu tàu của Hà Tĩnh, với hạt nhân là Khu kinh tế Vũng Áng. Giai đoạn 2015-2020, thu ngân sách trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng đạt hơn 37.720 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng thu ngân sách của tỉnh. Kết quả thu ngân sách năm 2023 của thị xã tiếp tục vượt kế hoạch tỉnh giao với 9.254 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch. Đây là nguồn lực quan trọng để Kỳ Anh chủ động trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống cho người dân.
Hy sinh vì lợi ích chung
Với chiều dài hơn 107 km, dự án đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn qua Hà Tĩnh ảnh hưởng đến đất và tài sản của gần 7.900 hộ dân, với tổng diện tích hơn 9 triệu m2. Tương tự, dự án xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) đi qua địa bàn Hà Tĩnh dài 142 km cũng ảnh hưởng đến đất và tài sản trên đất của 558 hộ dân. Mặc dù số hộ dân bị ảnh hưởng và phạm vi diện tích thu hồi lớn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao gần 100% mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công.
Thời điểm này, tại khu tái định cư thôn Hà Phong, Kỳ Phong (Kỳ Anh), các hộ dân đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng nhà ở tại khu tái định cư mới. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Quân, trưởng thôn Hà Phong, trong số 28 hộ dân phải di dời, tái định cư, có một số trường hợp di dời muộn, do giai đoạn đầu việc quán triệt chủ trương của tỉnh bị thiếu sót, các hộ dân còn phân vân và yêu cầu được bồi thường đầy đủ các hạng mục tài sản của gia đình. Lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại công khai, cung cấp đầy đủ cơ sở pháp lý liên quan, kiên trì vận động và giải thích đầy đủ, thấu đáo những thắc mắc của người dân. Bà Nguyễn Thị Vinh, một hộ dân trong vùng dự án cho biết, đường cao tốc bắc-nam để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước, các hộ dân luôn đồng thuận.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh Võ Tá Cương cho biết, quá trình giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân khỏi vùng ảnh hưởng ở dự án xây dựng đường cao tốc bắc-nam đã gặp khó khăn như một số hộ dân còn phân vân về giá bồi thường; việc xác định nguồn gốc đất đai; áp lực về tiến độ dự án; một số hạng mục chưa có tiền lệ trong bồi thường,… Đây cũng là những khó khăn chung của huyện khi thực hiện 4 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn từ năm 2023 đến nay.
Để hóa giải những khó khăn này, cùng với việc tuân thủ các bước theo quy trình một cách chặt chẽ, đúng thực tế và phù hợp quy định của pháp luật, địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nòng cốt là cán bộ, đảng viên cùng vào cuộc kiên trì tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng. Những khó khăn, vướng mắc trong quy định chưa đề cập rõ ràng, người đứng đầu cấp ủy tổ chức lấy ý kiến tập thể, thống nhất ý kiến của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ huyện để thực hiện và chịu trách nhiệm vì quyền lợi của nhân dân.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà giai đoạn 1 do Công ty cổ phần Phát triển và khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) thực hiện, được đánh giá là dự án đạt tiến độ nhanh nhất về thời gian hoàn thiện các thủ tục cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Khoa cho biết, chỉ trong vòng 4 tháng, huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan đồng hành doanh nghiệp hoàn thành quá trình chuẩn bị đầu tư.
Thời điểm hiện nay, địa phương đã hoàn thiện việc thu hồi 191,9 ha đất sản xuất nông nghiệp và đất ở của 679 hộ phục vụ dự án (giai đoạn 1) để giữa tháng 5 này, chủ đầu tư sẽ động thổ dự án. Đồng chí Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh, một trong những cách thức cốt lõi nhất để tạo sự đồng thuận trong quá trình giải phóng mặt bằng là bảo đảm lợi ích chính đáng cho người dân. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động cần thực hiện sớm, đi trước một bước. Người đứng đầu cấp ủy chính quyền sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều, minh bạch giải đáp thông tin, kết quả xử lý những vấn đề phát sinh để người dân hiểu và thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật. Với cách làm này, Thạch Hà là địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh tổ chức bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công đường cao tốc bắc-nam.
Theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các đơn vị, địa phương giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Mọi kiến nghị, khiếu nại của người dân đều được đưa ra đối thoại công khai, giải quyết kịp thời theo đúng quy định; không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng việc triển khai dự án để xúi giục, lôi kéo, gây mất trật tự.