Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chủ trì hội nghị.
Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, con người và lịch sử; nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, chiếm 10,1% diện tích của cả nước. Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của ba địa phương, thời gian qua, ba tỉnh đã tăng cường liên kết, hợp tác, đặc biệt là triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa ba tỉnh giai đoạn 2022-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Chương trình văn nghệ chào mừng. |
Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thông qua liên kết, hợp tác giữa ba tỉnh đã có đóng góp không nhỏ vào thành tựu phát triển của mỗi địa phương, của vùng và cả nước. Minh chứng, năm 2023, quy mô nền kinh tế của Thanh Hóa đứng thứ 8, Nghệ An đứng thứ 10 toàn quốc; Nghệ An năm thứ hai liên tiếp lọt vào tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh đạt 8,05%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 15 cả nước...
Tại hội nghị, đại biểu Trung ương và ba tỉnh cùng trao đổi, đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả, thành tựu đạt được; nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế nổi trội của các địa phương để hình thành các chuỗi liên kết trên các lĩnh vực cùng những hạn chế, tồn tại trong hợp tác phát triển giữa ba địa phương, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp hợp tác, liên kết trọng tâm trong thời gian tới.
Các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở từng địa phương, qua đó tăng cường củng cố, bồi đắp và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác cùng phát triển.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân ba tỉnh trình bày các tham luận: “Giải pháp đẩy mạnh liên kết phát triển, xây dựng khu vực Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước”; “Thu hút đầu tư nước ngoài tại Nghệ An: Nắm bắt cơ hội vàng, trở thành điểm đến đầu tư “thuận lợi, tin cậy và hiệu quả”; “Nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy, liên kết các giá trị di sản, truyền thống lịch sử, văn hóa kết hợp khai thác du lịch của ba địa phương”.
Bí thư Tỉnh ủy ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đều nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả của sự liên kết, thời gian tới, ba tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng như tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, đường ven biển, cầu bắc qua sông Lam; hệ thống logistics... nhằm tăng cường kết nối, cải thiện hệ thống giao thông giữa các tỉnh, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực.
Cùng với đó, tăng cường liên kết, hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá và thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số kết nối; phối hợp đề ra các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư thống nhất, đồng bộ và nhất quán...
Để liên kết vùng nam Thanh-bắc Nghệ; nam Nghệ An-bắc Hà Tĩnh phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất thì các nội dung hợp tác, liên kết giữa ba tỉnh cần toàn diện, tổng thể hơn trên các lĩnh vực. Trong đó, xác định rõ các nội dung trọng tâm, nhất là triển khai thực hiện tốt các quy hoạch vùng và cùng nhau phối hợp triển khai nhịp nhàng, đồng bộ giữa các địa phương...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả hợp tác của ba địa phương đã đạt được, đại diện lãnh đạo Trung ương đề nghị, thời gian tới, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Trung ương trong việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế nổi trội của ba địa phương để hình thành các chuỗi liên kết về công nghiệp, năng lượng, nguồn nhân lực…
Các địa phương sớm trình ban hành các kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Rà soát Quy hoạch tỉnh để phù hợp với Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng. Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển; rà soát điều chỉnh xây dựng các phân khu chức năng khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để tăng cường thu hút đầu tư, bổ trợ lẫn nhau. Đầu tư hạ tầng trọng yếu kết nối ba tỉnh, nhất là giao thông, công nghệ số, chính sách số…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển doanh nghiệp và có các cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp ba địa phương đầu tư trên địa bàn các tỉnh để phát huy lợi thế các địa phương. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế; vận động các nguồn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu để chuyển dịch lao động giữa các địa phương Trung ương luôn đồng hành với các địa phương trong việc xây dựng các cơ chế chính sách vùng, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ quảng bá đầu tư, nhất là liên kết phát triển nam Thanh Hóa-bắc Nghệ An, nam Nghệ An-bắc Hà Tĩnh…
Hội nghị của ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là cụ thể hóa Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như định hướng quy hoạch để xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.