Tháng 7 âm lịch với lễ của đạo hiếu

NDO - Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm là dịp lễ quan trọng đối với người Việt, vừa là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, vừa là lễ mở cửa ngục theo quan niệm của Phật giáo, để cho những người đã khuất trở về sau những mất mát, chia ly.
0:00 / 0:00
0:00
Mâm cúng chúng sinh ngày rằm tháng 7 tại Hà Nội. (Ảnh: HÀ NAM)
Mâm cúng chúng sinh ngày rằm tháng 7 tại Hà Nội. (Ảnh: HÀ NAM)

Lễ Vu Lan, miền bắc hay gọi với cái tên lễ “Xá tội vong nhân”, hay còn gọi là Tết Trung nguyên. Ở các chùa, vào dịp rằm tháng 7 thường tổ chức cúng xá tội vong nhân, cầu siêu cho những người đã chết nhưng không được thờ cúng, lang thang vất vưởng…

Phân tích về ý nghĩa của lễ Vu Lan, PGS.TS Dương Văn Sáu (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, lễ này thể hiện một trong những nét văn hóa của Phật giáo, có nghĩa là sự giải thoát. PGS.TS Dương Văn Sáu trích dẫn từ học giả An Chi về nghĩa của từ Vu Lan: Chữ Vu Lan có gốc từ chữ Sanscrit Ullambhana, có nghĩa là “sự giải thoát”, phiên âm ra chữ Hán Việt thành Ullam: Vu Lan, bhana: bồn, Vu Lan bồn còn gọi tắt là Vu Lan, bồn cũng có nghĩa là cái bồn chứa nước thanh tịnh.

Vu Lan mang ý nghĩa của sự giao thoa và hỗn dung văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ trong lịch sử của người Việt, được coi là lễ “giải thoát” cho cha mẹ khỏi địa ngục trong đạo Phật. Lễ này là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính với người đã khuất.

Còn theo sách “Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt”, tác giả Hồ Đức Thọ cho biết, lễ Vu Lan bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại Thừa “Phật thuyết kinh Vu Lan Bồn”, do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức là khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên, sau đó được truyền từ Trung Quốc vào Việt Nam, không rõ năm nào.

Tác giả cũng cho biết, lễ Vu Lan bắt nguồn từ công việc đồng áng của người nông dân trước kia. Tháng 6, 7 âm lịch hằng năm thường là thời điểm thu hoạch mùa màng. Người dân làm lễ cúng cầu cho công việc thu hoạch được may mắn, thuận lợi, không gặp trắc trở, không bị quấy nhiễu.

Trong cuốn “Tập tục đời người”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết, lễ này bắt nguồn từ sự tích của Phật giáo, đức Tôn giả Mục Kiền Liên có mẹ là bà Thanh Đề mắc tội bị đày xuống địa ngục, cứ bưng bát cơm thì bát cơm lại hóa thành lửa, không ăn được.

Tôn giả Mục Kiền Liên khi đi xuống các tầng địa ngục được tận mắt chứng kiến sự khổ ải của mẹ, cho nên đã kêu với đức Phật. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, bà Thanh Đề sau khi chết bị đày dưới địa ngục là do ở đời làm nhiều việc ác và tham lam.

Vì vậy, muốn cứu được bà ra khỏi cõi địa ngục đau khổ thì vào dịp Rằm tháng 7, sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng phải sắm sửa lễ vật cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ, thoát sinh về cõi thiên cung.

Đức Phật cũng thương tình cho một ngày mở cửa ngục để các vong linh trở lại trần gian, và cúng cháo lá đa cho các vong hồn lang thang.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phân tích, tháng 7 âm lịch, ở Bắc Bộ thường là mùa mưa, mưa dầm dề suốt ngày, cho nên người ta coi đây là khoảng thời gian các linh hồn đói khát đòi lên dương gian giải oan, hay ăn uống. Ở các gia đình, vào ngày rằm tháng 7, mọi người thường lên chùa làm lễ cúng, đốt mã, cúng cháo đổ vào những chiếc lá đa quấn lại như cái phễu, gọi là cháo lá đa, cắm ở ngoài vườn hay quanh mâm cúng. Các lễ tế thường là lễ cúng đàn “Mông sơn thí thực” của Phật giáo, còn tại các chùa làng, người ta thường hay đọc bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du, đọc thành 5 giọng kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Tháng 7 âm lịch với lễ của đạo hiếu ảnh 1

Nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan do kiều bào ta tổ chức tại Thái Lan. (Ảnh: NAM ĐÔNG)

Cũng xuất phát từ câu chuyện về Mục Kiền Liên xuống địa ngục xin cứu mẹ, ngày lễ Xá tội vong nhân còn là ngày để người ta tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên trong đời sống. Nghi thức bông hồng cài áo được cho là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa vào Việt Nam từ hơn 60 năm trước, nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Ở các chùa, ngoài nghi thức cúng lễ cầu siêu, còn tổ chức nghi thức cài bông hồng màu trắng cho những Phật tử không còn mẹ, và bông hồng màu đỏ cho những Phật tử còn mẹ. Nghi thức này tượng trưng cho lòng biết ơn của con cái dành cho cha mẹ, lan tỏa những việc thiện.

Trong sách “Hội hè lễ tết người Việt”, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà sử học, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên cho biết, quan niệm của người Việt về ngày rằm tháng 7 là tích cực làm việc thiện, cúng lễ, cầu siêu, bố thí… để tránh cho người nhà, gia đình, tổ tiên, cha mẹ mình khỏi những sự trừng phạt do những lỗi lầm khi còn sống. Ngoài cúng gia tiên, gia đình nào cũng cúng cho những cô hồn lang thang quần áo, cháo loãng, bánh kẹo, bỏng ngô, trái cây, gạo, muối… Lễ cúng thường vào xẩm tối. Cúng xong, cháo loãng và gạo, muối được vẩy đi khắp nơi. Các đồ cúng còn lại được chia cho những người hành khất.

GS Nguyễn Văn Huyên mô tả, ngày rằm tháng 7 đã trở thành ngày từ thiện lớn, khi người giàu cho người nghèo, các hội từ thiện đi quyên góp để giúp cho các nhà tế bần, bệnh viện.

Điều quan trọng nhất, mà GS Nguyễn Văn Huyên nhấn mạnh, đó là ngày lễ xá tội vong nhân khuyến khích mọi người ăn ở tốt trong cuộc sống. “Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn cả về thể chất cũng như tinh thần và trí tuệ” – ông viết.

Người Việt có nhiều dịp lễ hướng về tổ tiên, những người đã khuất trong năm, tiêu biểu là các tiết Thanh Minh, nghi thức tảo mộ. Nhưng lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng 7 là dịp lễ quan trọng nhất, lớn nhất thể hiện sự hiếu kính. Lòng hiếu kính này được truyền lại qua nhiều thế hệ, ông bà, cha mẹ cùng giữ gìn để con cháu noi theo, và các lớp con cháu sau này lại tiếp tục gìn giữ và trao truyền. Đó cũng là điều làm nên tinh thần hướng về nguồn cội của người Việt, nhớ ơn tổ tiên, những người đi trước, và sống vì cộng đồng, chia sẻ với những người thiệt thòi, kém may mắn.