Tháng 5, về Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Tháng 5, những cơn mưa đầu mùa khiến cho Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc càng trở nên mát mẻ hơn. Những vườn bưởi, hàng dừa, cây cảnh rợp một mầu xanh. Ðến Khu di tích dịp này, du khách lại được chụp ảnh bên ao sen trước mô hình nhà sàn Bác Hồ và hàng cây phượng già khoe sắc thắm.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu di tích lịch sử Nguyễn Sinh Sắc.
Một góc Khu di tích lịch sử Nguyễn Sinh Sắc.

Du khách Trần Nguyễn Quỳnh đến từ thành phố Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: Thật ý nghĩa khi tìm về Khu di tích để tưởng nhớ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người có công sinh thành và dưỡng dục cho Tổ quốc ta một vĩ nhân là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày 19/5".

93 năm đã qua, kể từ khi Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước thương dân, an nghỉ vĩnh hằng tại làng Hòa An, Cao Lãnh (nay là Phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp), bà con nhân dân vẫn luôn tôn kính, tưởng nhớ Người. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng ngày 22/8/1975 và khánh thành ngày 13/2/1977, với diện tích 3,6ha gồm các hạng mục như: mộ, vòm mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, hồ sao; mô hình nhà sàn Bác Hồ và ao sen Ðồng Tháp... Năm 2010, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc khánh thành công trình "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc" với tổng diện tích 8,8ha gồm các hạng mục: Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; vườn cây lưu niệm của lãnh đạo Trung ương và 12 huyện, thành phố tỉnh Ðồng Tháp; phục dựng lại một góc làng Hòa An xưa, nơi Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống và hoạt động những năm tháng cuối đời…

Năm 2012, Khu di tích khánh thành công trình Ðền thờ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên cơ sở cải tạo lại Nhà bát giác nhằm tạo ra không gian thờ cúng Cụ Phó bảng trang trọng và quy mô hơn. Ngày 19/5/2022, Khu di tích khánh thành Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam. Sau nhiều lần tôn tạo, Khu di tích đã trở thành một quần thể công trình lịch sử-văn hóa lưu niệm. Ðến nay, Khu di tích còn là một trong những trọng điểm của tỉnh thu hút khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hằng năm, tại Khu di tích đã diễn ra nhiều cuộc sinh hoạt chính trị, truyền thống như lễ kết nạp Ðảng, đoàn, đội, lễ báo công, lễ cắm trại sinh hoạt dã ngoại của các cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh. Nhiều đoàn sinh viên nước ngoài đã đến Khu di tích viếng mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc và tham quan Khu di tích.

Giám đốc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Võ Thị Tuyết Ngoa cho biết, trong những năm qua, bằng các nguồn vốn cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, Khu di tích đã triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Khu di tích đã trở thành điểm đến giàu cảm xúc cho công tác giáo dục truyền thống lịch sử gắn với tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với những nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc sẽ tổ chức tham quan di tích qua thực tế ảo 3D. Phối hợp các công ty lữ hành du lịch, các khu điểm du lịch trong tỉnh kết nối tour đón tiếp khách tham quan, lưu trú tại làng Hòa An xưa. Triển khai mô hình quét mã QR tại Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng tốt nhu cầu tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðồng thời, Khu di tích tiến hành trang trí tôn tạo bổ sung cụm tiểu cảnh; xây dựng bản đồ quy hoạch cây xanh, phát huy cảnh quan môi trường; đa dạng hình thức thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan.

Ðến nay, Ban Quản lý Khu di tích đã hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Tháp phê duyệt dự án Nâng cấp Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thành Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt (giai đoạn 1). Sắp tới, Khu di tích sẽ thực hiện các hạng mục theo dự án Bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích, giai đoạn 2022-2025 đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt, với kinh phí khoảng 234 tỷ đồng, góp phần thu hút khách tham quan, tạo bước phát triển mới trong lĩnh vực du lịch ■