Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn thi công các dự án giao thông

NDO - Hai tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Bắc Giang đang được xây dựng, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội ba tỉnh, nhưng hiện nay việc thi công đang gặp nhiều khó khăn. Làm chủ đầu tư, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng, sớm đưa các tuyến đường này vào sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Được giao mặt bằng đến đâu, các nhà thầu tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc thi công đến đấy.
Được giao mặt bằng đến đâu, các nhà thầu tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc thi công đến đấy.

Tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài gần 43km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị và đường cấp II, từng đoạn được thiết kế rộng từ 12m đến 47m.

Với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, tuyến đường được khởi công xây dựng tháng 5/2022, tiến độ thi công 30 tháng, nhưng tỉnh Thái Nguyên đang phấn đấu hoàn thành trước 6 tháng.

Tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đoạn từ quốc lộ 37 qua huyện Phú Bình, kết nối với tỉnh Bắc Giang, dài hơn 6km, vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng cũng đang được thi công.

Đây là hai tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, khi hoàn thành sẽ tăng cường kết nối giữa ba địa phương có công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển, đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thái Nguyên.

Vì khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện, hiện đại hạ tầng giao thông khu vực phía nam tỉnh, tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch.

Tuy nhiên, việc thi công hai tuyến đường này đang đứng trước những áp lực rất lớn về tiến độ, do giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu vật liệu san lấp, thời tiết mưa nhiều không thi công được.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án, tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc cần đào, đắp khoảng 800 nghìn m3 đất, điều phối từ đào sang đắp cơ bản đủ, nhưng các nhà thầu đang đứng trước thách thức rất lớn.

Điển hình, đoạn qua đèo Nhe ở xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên phải đào khối lượng đất khổng lồ để thông tuyến sang Vĩnh Phúc và vận chuyển đất xuống phía dưới để đắp những đoạn trũng thấp. Đường vận chuyển đất từ đỉnh đèo xuống rất cao, ngoằn nghèo.

Đội trưởng thi công số 1 thuộc Tổng Công ty 319 Đỗ Văn Miên cho biết: Chúng tôi đang huy động tối đa nhân lực và trang thiết bị để thi công khoảng 3km, nhưng trời mưa kéo dài, ô-tô không thể lên đèo để vận chuyển đất.

Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn thi công các dự án giao thông ảnh 1

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên thường xuyên bám sát công trường.

Ô-tô không thể lên đèo để vận chuyển đất kéo theo nhiều hệ luỵ. Cụ thể, đó là việc hạ độ cao để thông tuyến chậm được thực hiện, đoạn phía dưới không có đất đắp, nhân lực và thiết bị “nằm” chờ thời tiết.

Ở nhiều đoạn khác của tuyến đường, lượng đất thừa điều phối sang đắp cũng rất lớn, nhưng chưa được thông tuyến do vướng mặt bằng nên nhà thầu phải vận chuyển đường vòng, xa nên chi phí tăng cao.

Còn tại tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đoạn từ quốc lộ 37 qua huyện Phú Bình, kết nối với tỉnh Bắc Giang, dài hơn 6km cũng đang đứng trước khó khăn rất lớn về vật liệu đắp.

Cụ thể, tuyến đường đi qua nhiều cánh đồng trũng thấp, phải đào đất phong hóa xuống gần 1m, sau đó đắp cao gần 2m, nhưng trên địa bàn rất khan hiếm đất san lấp đang là thách thức đối với các nhà thầu.

Khắc phục khó khăn về đất san lấp, trước mắt chúng tôi làm việc với các cơ quan chức năng và Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên để tận dụng đất thừa tại Khu Công nghiệp Sông Công II vận chuyển về đắp tuyến đường vành đai 5. Chấp nhận vận chuyển xa, chi phí tăng cao để có vật liệu thi công.

Ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải

Quy trình giải phóng mặt bằng có vô khối công việc, bên cạnh việc kiểm đếm, áp giá bồi thường, niêm yết công khai; quy trình xây dựng hàng chục khu tái định cư cho người dân rất dài, cũng phải giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ, đấu thầu thi công xây lắp...

Sau khi được giao đất tái định cư, người dân chọn ngày khởi công xây nhà, nhiều tháng sau hoàn thành thì mới di chuyển được để giao mặt bằng thi công tuyến đường.

Càng chờ đợi mặt bằng, các nhà thầu càng khó khăn. Tới đây, các nhà thầu sẽ phải đối mặt với khó khăn về đá xây dựng, loại vật liệu này trên địa bàn cũng đang khan hiếm.

Bài toán lớn nhất là giá xây dựng không được điều chỉnh, trong khi đó nhân công, vật tư, vật liệu, nhiên liệu phục vụ thi công, xây dựng liên tục biến động, vật liệu xây dựng như đất đắp khan hiếm nên giá tăng cao, áp lực về tiến độ nên cả chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng đường giao thông trên địa bàn tỉnh đang rất lo lắng.

Thời gian vừa qua, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm tháo gỡ khó khăn đối với việc thi công hai tuyến đường trọng điểm này, liên tục kiểm tra, chỉ đạo các địa phương liên quan như thành phố Phổ Yên, các huyện Đại Từ, Phú Bình và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tạo nguồn vật liệu xây dựng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên Ngô Mạnh Cường cho biết: Chúng tôi thường xuyên bám sát công trường, thành lập tổ công tác sát sao công việc, nỗ lực phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng để thông tuyến nhanh nhất, từ đó có điều kiện để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi cho việc điều phối vật liệu đào-đắp trong dự án, tránh vận chuyển đường vòng để giảm chi phí cho các nhà thầu và các hệ luỵ xã hội khác. Mặt khác, kiến nghị với các cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc để khai thác mỏ đất, mỏ đá trên địa bàn.