Giai đoạn 2020-2025, Thái Nguyên xác định, phát triển hạ tầng giao thông, nhất là khu vực phía nam tỉnh, liên kết, kết nối tiểu vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thu hút đầu tư, tạo tiền đề để tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại trong khu vực vào năm 2030.
Giao thông kết nối, dẫn dắt phát triển
Từ năm 2010 đến nay, Thái Nguyên đã có bước “đại nhảy vọt”, vượt lên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cuối năm 2010, Thái Nguyên đứng ở vị trí 45/63 địa phương về thu hút FDI (hơn 113 triệu USD), đến nay, tỉnh đã vươn lên đứng trong tốp đầu cả nước. Năm 2013, nhờ tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, dòng vốn FDI chảy vào tỉnh tăng mạnh nhờ khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD của Samsung.
Các năm sau đó, Samsung liên tục tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất tại Thái Nguyên. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, đến nay, Tập đoàn Samsung đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào Thái Nguyên, kéo theo hàng chục nhà đầu tư phụ trợ, thời điểm cao nhất giải quyết việc làm cho 50-60 nghìn lao động, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 31 tỷ USD của tỉnh năm 2022.
Phát huy tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đi trước một bước dẫn dắt sự phát triển, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi xác định, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị khu vực phía nam tỉnh; trong đó, chú trọng giao thông kết nối tiểu vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025.
Qua đó, tăng cường thu hút đầu tư, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp xanh, sạch, có giá trị gia tăng cao để không chỉ phát triển kinh tế-xã hội mà còn hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp hiện đại trong khu vực”.
Triển khai chủ trương này, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương thi công xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối Thái Nguyên với các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Đây là dự án hạ tầng quy mô lớn được triển khai theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm liên kết tiểu vùng, kết nối ba tỉnh có công nghiệp phát triển và có vai trò đặc biệt thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ đối với Thái Nguyên.
Thi công tuyến đường liên kết Thái Nguyên với hai tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc. |
Tuyến đường này dài gần 43km, quy mô tiêu chuẩn đường đô thị và đường cấp II, từng đoạn được thiết kế rộng từ 12m đến 47m, tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, khởi công xây dựng tháng 5/2022, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Xác định đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt nên tỉnh Thái Nguyên thường xuyên đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên Ngô Mạnh Cường chia sẻ: “Thời gian vừa qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp thành phố Phổ Yên và huyện Đại Từ có tuyến đường đi qua để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cử cán bộ bám công trường để giám sát chất lượng công trình, thúc đẩy tiến độ tại 16 mũi thi công toàn tuyến. Chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng trước 6 tháng so tiến độ đề ra để thúc đẩy liên kết tiểu vùng, thu hút đầu tư phát triển kinh tế”.
Triển khai xây dựng đường vành đai 5
Một tuyến đường có tính chất liên kết khác cũng đã và đang được tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng là đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội chạy qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, đoạn tuyến dài gần 10km trên địa bàn thành phố Phổ Yên rộng bốn làn xe, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã được tỉnh hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hai đoạn tuyến tiếp nối từ cầu Xuân Phương qua huyện Phú Bình kết nối với quốc lộ 37 và tỉnh Bắc Giang, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cũng đang được thi công và sẽ khởi công trong những ngày tới.
Việc đầu tư tuyến đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tạo động lực thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp mới, trong đó có Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Phú Bình rộng gần 1.000ha. Tuy nhiên, các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc cần sớm triển khai các đoạn đi qua địa bàn, tuyến kết nối với vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc một cách đồng bộ nhằm phát huy tối đa giá trị kết nối giao thông tiểu vùng, liên kết các trung tâm công nghiệp, du lịch, chuỗi giá trị sản phẩm.
Kết nối với tỉnh Bắc Kạn ở phía bắc, cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới đã được xây dựng. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã cho ý kiến bước đầu về phương án thiết kế sơ bộ tuyến đường kết nối tỉnh Thái Nguyên với Tuyên Quang, trước hết nhằm tăng tính kết nối các di tích quốc gia đặc biệt ở hai tỉnh. Mặt khác, với giao thông nội tỉnh, liên kết các khu công nghiệp, đô thị, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 266 từ ngã tư Điềm Thụy (huyện Phú Bình) sang ngã tư thành phố Sông Công, đi qua nhiều khu, cụm công nghiệp và tỉnh lộ 261 trên địa bàn huyện Đại Từ kết nối thành phố Phổ Yên.
Hai tuyến đường nội tỉnh này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2021 có quy mô mặt đường rộng, êm thuận, không chỉ tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị hai bên đường mà còn đáp ứng lưu lượng người dân, công nhân và phương tiện đi lại lớn, khắc phục ùn tắc vào giờ cao điểm. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã hoàn thành và tích hợp quy hoạch hạ tầng giao thông vào quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để định hướng phát triển, tạo cơ sở huy động nguồn lực đầu tư và thu hút đầu tư.
Trên cơ sở quy hoạch, mặc dù nguồn lực còn hạn hẹp, trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên vẫn thu hút đầu tư xây dựng tuyến đường Bắc Sơn kéo dài, kết nối thành phố Thái Nguyên và khu du lịch hồ Núi Cốc với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng theo hình thức PPP, hợp đồng BT. Đến nay, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành, tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ và nâng cao tiềm năng du lịch, phát triển hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch quốc gia và dần hình thành các khu đô thị, dân cư, thương mại hai bên đường.
Đồng thời, tỉnh kêu gọi nguồn vốn gần 100 triệu USD đầu tư hạ tầng đô thị động lực thành phố Thái Nguyên với nhiều công trình giao thông khang trang, như hầm chui đường Thống Nhất, đường Bắc Sơn kéo dài, đường vành đai động lực phía đông thành phố,... Các công trình này không những góp phần hoàn thiện hạ tầng đô thị, giảm ùn tắc mà còn mở rộng không gian, thu hút đầu tư, nhất là các khu đô thị, dân cư, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa thành phố Thái Nguyên.
Với hạ tầng giao thông được đầu tư, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố có công nghiệp, dịch vụ phát triển, đã thật sự thúc đẩy khai thác tiềm năng lợi thế, để tỉnh Thái Nguyên thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 170 dự án FDI, tổng vốn hơn 10 tỷ USD, vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gần 130 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu hơn 31 tỷ USD, tổng số thu ngân sách đạt 19.100 tỷ đồng. Đây là kết quả đạt cao nhất từ trước đến nay và theo dự báo từ nay đến năm 2025, các dự án giao thông kết nối tiểu vùng được đưa vào khai thác, Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới.
Mặc dù tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông liên kết vùng, giao thông nội tỉnh, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội đang diễn ra hết sức mạnh mẽ; việc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến giao thông trọng điểm, nhất là quốc lộ 37 kết nối hai tỉnh Bắc Giang-Tuyên Quang, quốc lộ 1B kết nối với tỉnh Lạng Sơn, quốc lộ 17 kết nối với tỉnh Bắc Giang và nhiều tuyến tỉnh lộ có lưu lượng phương tiện lớn, được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay đã xuống cấp, là rất cần thiết.
Chính quyền tỉnh và người dân trên địa bàn mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư nguồn lực, nghiên cứu ban hành, bổ sung cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.