Sáu nguyên tắc hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về công tác xã hội.
Dự thảo Nghị định này quy định vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội; quy trình, điều kiện bảo đảm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác xã hội.
Đối tượng áp dụng trong dự thảo Nghị định lần này là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp hoặc thụ hưởng các dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo đề cập tới sáu nguyên tắc hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Một là, bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người sử dụng dịch vụ công tác xã hội.
Hai là, tôn trọng quyền của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; giữ bí mật thông tin cá nhân và đời tư được ghi trong hồ sơ quản lý trường hợp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ba là, cung cấp dịch vụ kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn, nghiệp vụ công tác xã hội.
Bốn là, ưu tiên cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với trường hợp khẩn cấp, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai và đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách và bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của nhân dân, đặc biệt là các nhóm người ưu tiên cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Năm là, bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác xã hội.
Sáu là, tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người làm công tác xã hội khi cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách và bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của nhân dân, đặc biệt là các nhóm người ưu tiên cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Đồng thời, có chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Cùng với đó, khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Dự thảo cũng nêu rõ 14 nhóm các hành vi bị nghiêm cấm về công tác xã hội.
Cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm công tác xã hội
Dự thảo Nghị định quy định, người làm công tác xã hội thuộc 5 nhóm cụ thể sau.
Đó là: Công chức nhà nước làm công tác quản lý nhà nước về công tác xã hội; Viên chức nhà nước làm công tác xã hội tại các đơn vị sự nghiệp công lập; Người làm công tác xã hội tại các đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, trại giam, trường giáo dưỡng và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; Người làm công tác xã hội trong các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và đoàn thể khác; Người làm công tác xã hội độc lập.
Người hành nghề công tác xã hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo quy định (trừ trường hợp là viên chức công tác xã hội).
Dự thảo cũng đề xuất 5 điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội đối với người Việt Nam.
Cụ thể, đối tượng cần có văn bằng chuyên môn liên quan đến công tác xã hội được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; có văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội; có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề công tác xã hội; đạt kỳ thi sát hạch theo quy định của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội; không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn công tác xã hội theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn công tác xã hội; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; không có tiền án, tiền sự liên quan đến xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Đề xuất 5 điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội đối với người Việt Nam:
- cần có văn bằng chuyên môn liên quan đến công tác xã hội được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;
- có văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội;
- có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề công tác xã hội;
- đạt kỳ thi sát hạch theo quy định của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội;
- không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn công tác xã hội theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn công tác xã hội; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; không có tiền án, tiền sự liên quan đến xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài.
Người hành nghề công tác xã hội có một số nghĩa vụ như: Tôn trọng các quyền của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; Tư vấn, cung cấp thông tin cho người sử dụng dịch vụ công tác xã hội theo quy định tại Nghị định này; Đối xử bình đẳng với người sử dụng dịch vụ công tác xã hội, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình.
Dự thảo cũng quy định nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội đối với nghề nghiệp, đồng nghiệp, xã hội và thực hiện đạo đức nghề nghiệp.
Người hành nghề công tác xã hội có nghĩa vụ thực hiện bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội do Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội quy định.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch và tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho người hành nghề công tác xã hội.
Nhà nước miễn, giảm học phí đối với người học chuyên ngành công tác xã hội theo quy định của pháp luật.