Nằm ở vùng đất xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa, huyện Thạch Thất là địa bàn có số lượng di tích, di sản lớn.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất, tính đến hết tháng 11/2022, có 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, gồm chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia và 66 di tích cấp thành phố.
Huyện cũng sở hữu 92 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có những di sản độc đáo như múa rối nước ở Chàng Sơn, Thạch Xá; hát chèo ở Canh Nậu, Đại Đồng...
Trong những năm qua, dù là huyện có kinh tế chưa phát triển so với nhiều địa phương khác, nhưng Thạch Thất vẫn đầu tư kinh phí đáng kể cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 41 di tích được tu bổ tôn tạo, tu sửa cấp thiết với tổng kinh phí 133 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, huyện đang triển khai 29 dự án tu bổ tôn tạo cho 29 di tích lịch sử văn hóa, với tổng mức nhu cầu vốn hơn 925 tỷ đồng.
Trong đó, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, UBND xã triển khai 10 dự án tu bổ tôn tạo chùa, với tổng vốn khái toán 414 tỷ đồng.
Huyện đang tiếp tục đề xuất cấp trên bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023-2025 công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo 23 di tích, với tổng nhu cầu vốn trên 435 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 100% di tích ở địa bàn huyện đều có bảng treo Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhấn mạnh những quy tắc ứng xử tại các địa điểm tín ngưỡng, tâm linh. Hiện nay, 100% di tích được xếp hạng đã được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ; nhiều di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Mặc dù vậy, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, một số dự án tu bổ di tích trên địa bàn hiện gặp khó khăn.
Điển hình như Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, Dự án quy hoạch, di dân, tái định cư khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, đều là những dự án liên quan công tác quy hoạch tổng thể, di dân, giải phóng mặt bằng có quy mô và nguồn kinh phí lớn, thời gian triển khai hồ sơ hiện còn chậm, gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Vì vậy, huyện Thạch Thất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong hoàn thiện hồ sơ, tạo cơ chế đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, việc tu bổ các di tích cũng gặp khó khăn do nguồn vốn xã hội hóa huy động được chưa cao. Một số di tích bị xuống cấp chưa được tu bổ kịp thời, thí dụ như đình Yên Lỗ (xã Cẩm Yên), chùa Hữu Bằng (xã Hữu Bằng), đình Trúc Động (xã Chúc Đồng)…
Tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát của thành phố Hà Nội về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đối với các cơ sở tôn giáo với UBND huyện Thạch Thất, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng đoàn giám sát, đã ghi nhận những cố gắng, kết quả đạt được của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội huyện Thạch Thất trong công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn.
Công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn cũng được quan tâm, làm tốt việc xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích; thực hiện tốt công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm…
Đồng chí Kim Dung cũng đề nghị UBND huyện cần quan bám sát việc tu bổ di tích, để đề xuất các phương án tu bổ, tôn tạo di tích một cách kịp thời, thỏa đáng.