Bài 1: Đồng thuận cao từ cơ sở
Đối với đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội có 169/579 đơn vị (gồm 79 xã, 83 phường và bảy thị trấn) thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 109 đơn vị (gồm 67 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, 34 đơn vị liền kề có liên quan và tám đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp).
Đề án của Chính phủ đã xây dựng 47 phương án sắp xếp, gồm bảy phương án nhập ba đơn vị hành chính để hình thành một xã; 35 phương án nhập hai xã thành một xã và năm phương án điều chỉnh từ ba xã trở lên để hình thành một đơn vị hành chính cấp xã.
Sau khi sắp xếp, thành phố Hà Nội giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 9,15%), từ 579 đơn vị xuống còn 526 đơn vị (gồm 345 xã, 160 phường, 21 thị trấn).
Việc sắp xếp bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, của vùng và thành phố Hà Nội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố nói chung và của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp nói riêng.
Phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính. |
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Chính phủ chỉ đạo các bộ có liên quan và chính quyền thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, xác định lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong những năm tiếp theo theo đúng quy định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội trong việc xây dựng Đề án này, với số lượng đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp rất lớn, lại có đặc thù từ truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất kinh kỳ. Tuy nhiên, thành phố đã chủ động triển khai sớm, bám sát hướng dẫn, theo dõi sát sao việc xây dựng và hoàn thiện Đề án, với tỷ lệ đồng tình cao của cử tri ở các địa phương thuộc diện sắp xếp.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh khẳng định phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức bảo đảm dân chủ, khoa học, khách quan, có tính nhân văn. |
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, để có kết quả này, thành phố chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt. Ngày 31/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5507-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023-2025 để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Thực tế khi mới triển khai, cũng có địa phương làm chưa tốt, xây dựng đề án sắp xếp chưa đạt yêu cầu, thành phố kiên quyết yêu cầu làm lại; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, các địa phương đều đạt kết quả rất cao về tỷ lệ cử tri đồng ý với phương án sắp xếp, cũng như phương án đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp.
Hà Nội sắp xếp hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã
Tại quận Đống Đa, 143 tổ công tác đã được thành lập để lấy ý kiến cử tri tại 10 phường, kết quả cuối cùng đạt tới 99,99% cử tri tham gia bỏ phiếu.
Trong đó, tỷ lệ cử tri đồng ý việc sắp xếp và đồng ý về tên gọi đơn vị hành chính mới đều đạt từ 99% trở lên, riêng phường Khương Thượng đạt 100%.
Tại quận Hai Bà Trưng, với số lượng rất lớn cử tri cần lấy ý kiến, song chỉ trong vòng năm ngày, bảy phường thuộc diện sắp xếp (Bách Khoa, Cầu Dền, Đống Mác, Đồng Nhân, Thanh Nhàn, Bạch Mai, Quỳnh Lôi) đã nhanh chóng hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp, đạt tỷ lệ người dân đồng thuận với phương án sáp nhập là 99,63% và đồng thuận với phương án tên gọi đơn vị hành chính mới là 99,34%.
Tại huyện Phúc Thọ, gần 100% cử tri khi được lấy ý kiến đã bày tỏ đồng tình với đề án sáp nhập tám xã thành bốn xã do huyện xây dựng… Tiếp đó, 100% Hội đồng nhân dân các cấp đều thông qua Đề án sắp xếp với tỷ lệ đồng ý đạt 100%. Điều này cho thấy sự tin tưởng, đồng thuận rất cao từ người dân đến tất cả hệ thống chính trị của thành phố.
Cùng với đó, tất cả các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc của từng cán bộ, công chức. Trong đó, ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, đối với cán bộ dôi dư, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ.
Sở Nội vụ đã chủ động hướng dẫn các quận, huyện lưu ý: tuyển dụng, bổ nhiệm công chức cấp xã đến công tác tại cơ quan cấp huyện còn thiếu; điều chuyển cán bộ công chức ở đơn vị này sang đơn vị khác không chịu tác động của sắp xếp; giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư gần đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng nghỉ trước tuổi, cán bộ có nguyện vọng thôi việc; với cán bộ chuyên trách đủ điều kiện tiêu chuẩn thì tuyển dụng làm công chức, còn lại không giải quyết được thì gộp nguyên trạng...
Tổng số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách của 109 đơn vị hành chính cấp xã hiện có 2.652 người (917 cán bộ, 974 công chức, 761 người hoạt động không chuyên trách); dự kiến bố trí tại 56 đơn vị hành chính cấp xã mới 1.821 người (466 cán bộ, 648 công chức, 707 người hoạt động không chuyên trách); dôi dư 831 người (451 cán bộ, 326 công chức, 54 người hoạt động không chuyên trách).
Số lượng lớn như vậy, nhưng Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: “Nhờ triển khai dân chủ, khách quan, khoa học, cho nên đến nay, cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các địa phương thực hiện sắp xếp đều thống nhất cao, đến nay chưa có đơn thư, khiếu nại, phản ánh”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, quận và các phường hiện chỉ chờ đến ngày, đến giờ để đưa bộ máy của các đơn vị hành chính mới vào hoạt động, bởi trước đó công tác chuẩn bị đều đã hoàn tất, bảo đảm kỹ lưỡng, chất lượng. “Đội ngũ cán bộ, công chức đều rất yên tâm làm việc, không những không lơ là nhiệm vụ mà còn làm rất tốt. Điều này thể hiện rõ qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội từ các phường đến quận đều đã hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2024 đề ra”.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thông tin, ngay sau Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố sẽ nhanh chóng tổ chức quán triệt, triển khai để sớm ổn định tình hình tại các địa phương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025.