Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, hành vi đốt mã của người dân đang ngày càng trở nên phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn.
Theo đại biểu, hiện nay, chỉ số bụi mịn tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội đang lên rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Do đó, ngoài những biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân giảm đốt vàng mã, thì biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này mục đích là để dần thay đổi hành vi đốt vàng mã của người dân, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Xử lý hành vi đốt vàng mã gây nguy hiểm tại tập thể cũ Thành Công
Đại biểu Dương Minh Ánh cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung mặt hàng như túi ni lông, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời nhất trí về việc tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia gây tác hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội. Quy định này cũng sẽ làm giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân do tác hại của rượu bia gây ra, giữ an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí và đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, khi tăng thuế suất đối với mặt hàng nào đó cần cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới. Vì nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp làm sụt giảm sản lượng đột ngột dẫn đến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi được vốn.
Từ góc độ y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết hành vi của người tiêu dùng là cần thiết, bởi hiện nay có nhiều mặt hàng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác hại đối với môi trường.
Qua nghiên cứu Tờ trình cũng như báo cáo và dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cần phải có đánh giá tác động khách quan, đặc biệt là những bằng chứng khoa học của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế xem nước giải khát có đường tác hại ra sao để có quy định cụ thể về hàm lượng đường.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, dự thảo Luật cũng cần có sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp sản xuất để họ chuyển sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng đường từ tự nhiên. Đồng thời, từng bước thay đổi thói quen, hành vi sử dụng đồ uống có đường của người dân, đặc biệt là giới trẻ để hạn chế tình trạng béo phì trong thanh, thiếu niên hiện nay.