Chiến lược tổng thể tu bổ, tôn tạo di tích

Hà Nội hiện có 727 di tích xuống cấp, cần một khoản ngân sách lớn để tu bổ. Thành phố sẽ xây dựng chiến lược mang tính tổng thể để tu bổ, tôn tạo nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Thành phố sẽ đầu tư phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long.
Thành phố sẽ đầu tư phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long.

5.922 di tích, gồm nhiều loại hình, từ thành cổ, phố cổ cho đến đình, đền, miếu, phủ, nhà thờ... là con số khổng lồ, là niềm tự hào với nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, di tích liên tục xuống cấp đặt ra những thách thức lớn trong công tác bảo tồn.

Trách nhiệm nặng nề

Trong số các di tích của Hà Nội, có di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; 13 di tích, cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ðiều này cho thấy di tích trên địa bàn Thủ đô không chỉ lớn ở số lượng, mà còn giá trị ở "chất lượng". Di tích Hà Nội là sự giao thoa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Ðoài, vừa có thành cổ, phố cổ mang dấu ấn đô thị xưa, vừa mang vẻ đẹp của những làng quê ngàn năm với những di tích đình, đền, chùa… gắn với cuộc sống của người dân nông thôn. Thế nhưng, do phần lớn các di tích được làm bằng cấu kiện gỗ, cho nên cùng với thời gian, di tích liên tục bị xuống cấp. Chùa Tre (Phúc Diễn Tự, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên) là một thí dụ điển hình. Ngay ở tòa nhà Tam bảo, nơi quan trọng nhất của ngôi chùa, mái chùa đã bị thủng. Trời mưa, nhà chùa vừa phải hứng nước, vừa phải che tượng Phật. Chùa Tre có lịch sử khoảng 700 năm, gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xã Tân Dân. Chùa xuống cấp khiến người dân đau xót, nhưng nguồn lực kinh tế hạn hẹp khiến họ lực bất tòng tâm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác, thí dụ như đình Phương Châu (xã Phú Phương, huyện Ba Vì), đình làng Ðông La Thượng, Ðông La Hạ (xã Ðông Yên, huyện Quốc Oai)…

Trong những năm qua, thành phố liên tục dành nguồn vốn ngân sách kết hợp vốn xã hội hóa để đầu tư, tu bổ di tích. Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố vẫn quan tâm công tác tu bổ. Năm 2021, thành phố đầu tư tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 122 di tích với kinh phí 139,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu các quận nội thành, huyện ven đô, Nhà nước chỉ cần cấp một phần vốn đối ứng, Ban quản lý các di tích có thể vận động xã hội hóa để tiến hành việc tu bổ, thì tại các huyện nghèo, kinh tế khó khăn như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ… nhiều di tích xuống cấp mà không bố trí, huy động được vốn đầu tư. Do những khó khăn này, toàn thành phố có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp; trong đó 448 di tích xuống cấp, 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ khi nào. Các di tích xuống cấp nghiêm trọng chủ yếu tập trung ở những huyện nghèo.

Cần chiến lược tổng thể

Tu bổ di tích là một quá trình cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Bởi ngay cả những di tích mới tu bổ, chỉ vài chục năm sau đã lại hỏng hóc, xuống cấp, tiếp tục phải đầu tư. Trước thực tế này, thành phố tiếp tục đề ra những giải pháp mới, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích. Ðáng chú ý, ngày 8/4/2022, HÐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HÐND về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố. Theo Nghị quyết, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ đầu tư tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng để tu bổ 579 di tích. Việc đầu tư, tu bổ di tích được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên di tích có giá trị, như di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt; di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong giai đoạn này, thành phố cũng dành nguồn lực lớn để tu bổ, tôn tạo di tích cách mạng kháng chiến, với kinh phí 5.676,3 tỷ đồng để tu bổ gần 60 di tích.

Việc tu bổ di tích trong giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng và chưa có tiền lệ, đòi hỏi một cách tiếp cận mới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình nên nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích hết sức đặc biệt, đòi hỏi đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc. Do đó, ngành văn hóa Thủ đô khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ. Ðồng chí cũng cho biết, thành phố sẽ thành lập ban chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; thành lập tổ công tác giúp việc, thường xuyên kiểm soát, nắm bắt tình hình và đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn với địa phương.