Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía bắc

Hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía bắc. Tại các địa phương Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng..., mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Các địa phương đã khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ, ứng cứu, đồng thời bằng nhiều biện pháp, cố gắng bảo đảm an toàn cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn ngập lụt tại Tổ 2, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). (Ảnh MINH TUẤN)
Sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn ngập lụt tại Tổ 2, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). (Ảnh MINH TUẤN)

Sạt lở cuốn trôi ô-tô, xe máy tại Cao Bằng

Tại tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài đã làm mực nước trên các sông, suối dâng cao, kéo theo ngập lụt, sạt lở đất gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, tại địa bàn có 19 người chết, 3 người bị thương và 19 người mất tích do sạt lở đất và lốc xoáy. Mưa lũ, ngập lụt làm 391 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó, có 12 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; 11 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 42 nhà bị tốc mái; 326 nhà bị ngập nước...

Vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại đoạn gần cầu Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình. Ðất đá sạt lở đẩy một xe khách (có 20 hành khách), hai xe ô-tô và nhiều xe máy xuống dòng nước lũ. Tất cả bị nước lũ cuốn đi, chưa rõ số người bị mất tích. Ðến chiều qua, xã Ca Thành đã tìm được bốn thi thể nạn nhân; tìm được một người bị thương. Việc ứng cứu, tìm kiếm người mất tích gặp khó khăn do trên Quốc lộ 34 bị ách tắc nhiều điểm, giao thông tắc nghẽn, lực lượng tỉnh, huyện chưa đến được hiện trường để ứng cứu.

Ðồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có mặt tại huyện Nguyên Bình để chỉ đạo công tác ứng cứu. Tỉnh cũng huy động lực lượng quân đội, công an, y tế lên đường đến hiện trường vụ việc. Huyện Nguyên Bình huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, công chức, viên chức, cán bộ y tế, nỗ lực xử lý các điểm sạt lở nhằm nhanh nhất có thể tiếp cận hiện trường vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại đoạn gần cầu Khuổi Ngọa, xã Ca Thành.

Do sạt lở đất, cây đổ, nhiều tuyến đường giao thông tại tỉnh Cao Bằng bị sạt lở, ách tắc, “tê liệt”. Hai tuyến Quốc lộ 34 và 4A; năm tuyến đường tỉnh; 14 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, ngập úng nhiều điểm, gây ách tắc các tuyến giao thông. Trong đó, tuyến Quốc lộ 34 vào các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc và Bảo Lâm có hơn 20 điểm sạt lở, ách tắc...

Kiểm tra thực tế và chỉ đạo lực lượng chức năng, đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đề nghị, các lực lượng chức năng cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, chủ động ứng phó thiên tai với phương châm bảo đảm tính mạng, an toàn của người dân phải đặt lên hàng đầu.

Thời gian tới, các địa phương, các lực lượng không được chủ quan, lơ là, cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết, mực nước trên các sông, suối; đề phòng nguy cơ sạt lở đất để xử lý, ứng phó kịp thời. Các địa phương, ngành chức năng thống kê thiệt hại, đồng bộ triển khai giải pháp hỗ trợ người dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.

Thái Nguyên ứng phó lũ lớn, bất ngờ

Do ảnh hưởng của bão số 3, địa bàn tỉnh Thái Nguyên và thượng nguồn xuất hiện mưa to và rất to, gây lũ lớn trên sông Cầu. Tại trạm đo Gia Bẩy, thành phố Thái Nguyên, lũ vượt báo động 3 hơn 100 mm là mức rất nguy hiểm, gây ngập trên diện rộng. Từ tối 8/9, lũ trên sông Cầu lên nhanh, đến chiều 9/9 vượt báo động 3 hơn 1,5m và vẫn tiếp tục lên nhanh.

Nhiều người dân thành phố Thái Nguyên cho biết, đây là trận lũ lớn nhất trong 50-60 năm qua và diễn biến bất ngờ. Bà Nguyễn Thị Nhã cư trú tại tổ 17, phường Phan Ðình Phùng ở trung tâm thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Sáng 9/9 nước lũ bắt đầu tràn vào sân; đến trưa nước ngập nền nhà hơn nửa mét; bàn ghế, giường tủ nặng không khênh, kê cao được đành để ngập trong nước”.

Thống kê sơ bộ, thành phố Thái Nguyên có 17 xã, phường ven sông Cầu bị ngập mênh mông trong biển nước; hàng nghìn ngôi nhà, nhiều tuyến phố bị ngập sâu; nhiều chỗ nước chảy xiết, nhiều điểm đê xung yếu có nguy cơ bị tràn. Dọc sông Cầu từ huyện Phú Lương đến thành phố Phổ Yên có hàng nghìn hộ bị nước ngập, tràn vào nhà; hàng nghìn héc-ta lúa đang làm đòng hoặc hoe vàng bị ngập, đổ rạp; hơn 10.000 khách hàng bị mất điện; hai cháu bé bị nước cuốn trôi. Thiệt hại về vật chất chưa thống kê được.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Ngay trong đêm, chúng tôi huy động công an, bộ đội, dân quân, phương tiện để hỗ trợ di dời khẩn cấp 50 hộ dân ở tòa nhà A3 chung cư Tiến Bộ, hàng trăm hộ dân sinh sống rải rác dọc sông Cầu bị ngập đến nơi an toàn; gia cố đê sông Cầu tại các vị trí xung yếu, nước lũ có nguy cơ tràn vào thành phố”. Ðêm 8/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công điện khẩn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.

Kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục lũ lớn sáng 9/9, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, kích hoạt toàn bộ phương án “bốn tại chỗ”, ưu tiên cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, khẩn trương rà soát các hộ dân trong vùng ngập lụt, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm để người dân không bị đói; thường xuyên liên lạc với chính quyền tỉnh Bắc Kạn (thượng lưu sông Cầu) để nắm bắt tình hình mưa, xả lũ, kịp thời có phương án ứng phó hiệu quả, không để bị động...

Cơ quan chức năng khảo sát, ghi hình ảnh từ trên cao; tính toán mực nước thực tế, tham vấn các chuyên gia về phòng chống lụt để có phương án chống lũ lâu dài cho thành phố Thái Nguyên.

Phú Thọ khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9/9, cầu Phong Châu tại Km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối huyện Lâm Thao với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và hai nhịp dàn chính (nhịp sáu và nhịp bảy phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

Sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu gồm có một ô-tô tải, hai ô-tô đầu kéo, sáu xe mô-tô, một xe máy điện; tám người mất tích; đã cứu được ba người bị thương đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Ngay sau sự cố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang có mặt tại hiện trường chỉ đạo triển khai các biện pháp khẩn cấp.

Do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Quân khu 2 khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện và các biện pháp cần thiết để tìm kiếm người mất tích.

Ngay trong buổi sáng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ đã huy động 315 cán bộ, chiến sĩ, sử dụng 11 ô-tô, 5 xuồng máy, một thiết bị chế áp điện tử sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nhằm tìm kiếm, cứu vớt những nạn nhân sau vụ sập cầu.

Công an tỉnh Phú Thọ cũng huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện, trang thiết bị cần thiết sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; phối hợp với Công an các tỉnh lân cận tổ chức hướng dẫn phân luồng giao thông từ xa, tại chỗ, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

Lũ trên sông Hồng dâng ngập nhiều khu vực tại Lào Cai, Yên Bái

Do mưa lớn trên diện rộng, nước lũ trên sông Hồng lên nhanh làm nhiều khu vực dân cư ở thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) bị ngập. Tính đến 10 giờ 15 phút sáng 9/9, thành phố Lào Cai đã di chuyển 92 hộ dân (369 khẩu) có nguy cơ sạt lở, sinh sống cạnh khu vực suối Ngòi Ðường, Ngòi Bo, sông Hồng... đến nơi tránh trú an toàn.

Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện Kế hoạch số 163 của UBND thành phố về dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai để chủ động hỗ trợ các hộ dân trong vùng bị thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa có thể đáp ứng ngay cho khoảng 6.000 khẩu trong 10 ngày (30 tấn).

Tại thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái), do ảnh hưởng của nước sông Hồng dâng cao trên báo động 3 đã gây ngập úng lớn, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình. Có 3.500 hộ bị ảnh hưởng đã phải di dời tạm thời để bảo đảm an toàn. Cô Ðinh Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái lo lắng cho biết: Sáng 9/9, trường đã được gần 30 chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng các thầy cô và phụ huynh tham gia đưa các thiết bị dạy học, sách giáo khoa... lên tầng hai để bảo đảm an toàn trước khi nước lũ tràn về.

Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, nước tiếp tục dâng cao, gây ngập toàn bộ nhà trường, có nơi sâu hơn một mét. Sáng nay, trường đã cho 33 lớp học với 1.296 học sinh nghỉ học. “Tình hình này kéo dài phải ba ngày nữa mới trở lại học bình thường. Ngay bây giờ, trường phải lo sau nước rút cần hót dọn bùn đất phù sa, tẩy uế môi trường, sửa chữa các hư hỏng... Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, của lực lượng thanh niên tham gia”, cô Ðinh Thị Thu Phương băn khoăn.

Tại xã Bản Mù, huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) nơi thôn Mảnh Tàu bị lũ ống về lúc 2 giờ sáng, có chín hộ dân bị ngập lụt sâu đến gần nóc nhà. Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào sau khi kiểm tra thực địa cho biết: Rất may mắn là nhờ tuyên truyền bằng tiếng H’Mông về cách phòng chống thiên tai, nên người dân đều biết cách ứng phó.

Trước đó, UBND huyện thành lập 12 tổ kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 và chỉ đạo sơ tán, di dời 138 hộ trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trước tình trạng mất điện kéo dài do thiên tai, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, Giám đốc Ðiện lực Yên Bái Cao Bình Ðịnh cho biết, để giữ an toàn điện cho người dân các vùng ngập úng, sạt lở đất và ngăn ngừa sự cố lưới điện tại nơi xảy ra thiên tai, Công ty Ðiện lực Yên Bái chủ động tạm dừng cấp điện đối với 513 máy biến áp.

Bộ đội Biên phòng Sơn La tích cực hỗ trợ nhân dân

Tỉnh Sơn La đã có mưa kéo dài, gây ngập úng, lũ và sạt lở, làm một người chết, ảnh hưởng tới 380 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, sụt lún... Ông Sồng A Hạng, bản Làng Sáng, xã Háng Ðồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cho biết: “Sau mưa lũ, ta-luy dương phía sau nhà sạt lở, nhà tôi đã bị sập hoàn toàn. Rất may trước đó có sự hỗ trợ của xã, bà con trong bản, gia đình tôi đã kịp thời di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn”.

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía bắc ảnh 1

Chính quyền thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La) huy động máy móc khơi thông các vị trí tắc cục bộ.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) Lò Văn Thoa, hiện nay, ở xã Ngọc Chiến nước lũ vẫn đang dâng cao gây ngập hai cầu tràn đi qua xã. Huyện và xã đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân chủ động các phương án phòng chống thiên tai; đồng thời, nhắc nhở người dân không được chủ quan, không cố tình vượt qua các đập tràn, suối khi nước đang dâng cao; di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn và tổng hợp thống kê thiệt hại.

Thượng tá Ðào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho biết: Tại địa bàn biên giới thuộc các huyện Mộc Châu, Yên Châu và Sốp Cộp, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất ở nhiều tuyến quốc lộ và nhà dân, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của bà con khu vực biên giới.

Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã cử gần 100 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn nơi xảy ra sạt lở để phát quang, dọn dẹp bùn đất trôi, sạt trên tuyến đường giao thông liên bản, đồng thời, cắt cử lực lượng tại các khu vực biên giới chủ động hỗ trợ, giúp người dân khi cần thiết trong thời điểm mưa lũ.

Kiểm tra tại hiện trường và làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Ðức Phớc và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu các lực lượng chức năng khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, dùng mọi phương tiện để tìm kiếm người bị nạn nhưng phải bảo đảm an toàn. Trước mắt, tỉnh Phú Thọ khẩn trương đặt biển báo, ngăn chặn đường không cho người và phương tiện tiếp cận khu vực cầu; tiến hành phân luồng xe để các phương tiện di chuyển theo hướng khác; tiếp tục tìm kiếm thống kê số lượng người và phương tiện gặp nạn và lưu ý về công tác báo cáo bảo đảm sát nhất; phối hợp với các tỉnh, thành lân cận, tăng cường lực lượng tuần tra hạ lưu hai bên sông. Khi thực hiện cứu hộ, cứu nạn cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ.

Trong khi chờ cầu Phong Châu được sửa chữa, yêu cầu lực lượng quân đội cùng các ngành chức năng làm cầu phao bắc qua sông cho người dân đi lại; khẩn trương lập phương án, trình Thủ tướng Chính phủ để sửa chữa cầu Phong Châu, sớm có biện pháp di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao và kịp thời hỏi thăm, động viên và hỗ trợ gia đình người bị nạn.