Tập trung gỡ khó cho mô hình du lịch canh nông

Những năm gần đây, du lịch canh nông đang có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, mô hình này đang gặp nhiều rào cản, thực tế ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) là một thí dụ rõ nét.
0:00 / 0:00
0:00

Như một số vùng trong nước, du lịch canh nông tại thành phố Đà Lạt thu hút lượng lớn du khách, góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng lợi nhuận cho người dân. Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 33 điểm du lịch canh nông được cơ quan chức năng công nhận. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông của tỉnh khoảng 377 tỷ đồng với diện tích hơn 300 ha.

Ví như mô hình du lịch canh nông của một gia đình ở xã Xuân Thọ (thành phố Đà Lạt) là một mô hình khá thành công. Chủ vườn hoa cẩm tú cầu cho biết, gia đình ông là hộ tiên phong trong việc tổ chức bán vé, đón khách vào vườn hoa tham quan, trải nghiệm. Theo chủ vườn, trung bình mỗi ngày, gia đình đón khoảng 50 lượt khách với giá vé 50.000 đồng/lượt. Những ngày lễ, Tết, hàng trăm khách tới trải nghiệm, cao điểm lên đến cả nghìn lượt.

Mặc dù vậy, chủ mô hình gặp hàng loạt rào cản trong xây dựng, phát triển. Tháng 4/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy chế tạm thời về đầu tư, quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông. Điểm du lịch thuộc hạng mục này phải có diện tích tối thiểu 0,5 ha (đối với thành phố Đà Lạt) và 1 ha đối với các huyện, thành phố còn lại. Đất được chuyển đổi mục đích sử dụng nông nghiệp sang phi nông nghiệp để xây dựng hạ tầng là 3-5%/tổng diện tích. Đến cuối năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra quyết định chấm dứt quy chế tạm thời nêu trên khiến việc đầu tư, phát triển du lịch canh nông gặp khó khăn.

Một chủ cơ sở du lịch canh nông cho biết: Để kinh doanh hiệu quả, chúng tôi rất cần đầu tư các hạng mục công trình như: bãi xe, khu đón tiếp, khu vệ sinh, các hạng mục tiểu cảnh, giải trí khác… Tuy nhiên, vấn đề xây dựng rất khó do toàn bộ diện tích thuộc hạng mục đất nông nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm hạ tầng đón khách, gia đình ông buộc phải cải tạo một không gian tạm trong khu nhà kính công nghệ cao. Không gian này chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết như: che nắng, mưa, bảo đảm về khu vệ sinh…

Trước thực tế này, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là địa phương phát triển mạnh về du lịch canh nông và tỉnh từng ban hành đề án thí điểm để tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện nay mô hình chịu tác động bởi các quy định của luật xây dựng, đầu tư, du lịch… dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Theo ông Phạm S, hy vọng thời gian tới các quy định mới sẽ giúp du lịch canh nông được định vị, từng dự án sẽ có đất quy hoạch theo tỷ lệ 1/500, từ đó sẽ có đất nhà ở, phòng trưng bày sản phẩm, bãi đậu xe…