Mới đây trong khuôn khổ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Thuận, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Bình Thuận năm 2024” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia tuần lễ triển lãm có hơn 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trưng bày gần 190 sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Bình Thuận.
Sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh và tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại giữa hai địa phương, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, tìm kiếm mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm, kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển kinh doanh; kích cầu tiêu dùng, kết nối cung cầu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận.
Với thị trường hơn mười triệu dân, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống phân phối phát triển và là cửa ngõ kết nối giao thương với quốc tế, tuần lễ triển lãm kỳ vọng sẽ thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ, mở hướng xuất khẩu cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông sản tiêu biểu… của tỉnh Bình Thuận.
Để tận dụng lợi thế của mỗi địa phương, tháng 4 năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng duyên hải Trung Bộ (gồm các địa phương Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi) đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025. Cụ thể hóa sự hợp tác này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 3810/KH-UBND về phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác năm 2023 và giai đoạn 2024-2025. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề ra 10 nội dung phối hợp cấp vùng, 11 nội dung phối hợp song phương và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị làm đầu mối triển khai thực hiện.
Qua một năm thực hiện thỏa thuận hợp tác đã mang lại nhiều kết quả ở nhiều lĩnh vực, đi vào thực chất, không chỉ hỗ trợ kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư và thương mại mà còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ đã thực hiện toàn bộ 10 nội dung hợp tác cấp vùng và 10/11 nội dung hợp tác song phương. Theo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này xác định trọng tâm với vùng duyên hải Trung Bộ là hợp tác phát triển du lịch; xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp thành phố với chi phí hợp lý hơn.
Từ kết quả đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ đều thống nhất đến vai trò, tầm quan trọng của liên kết vùng. Các bên đã chủ động xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác đã ký kết, tạo môi trường và động lực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của thành phố và các tỉnh trong vùng chủ động liên kết, hợp tác giao thương.
Các sở, ban, ngành và các đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tích cực phối hợp tổ chức và tham gia triển khai thực hiện các sự kiện hợp tác giữa các bên. Qua đó, nhiều nội dung hợp tác đã được phối hợp triển khai, như tổ chức đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố; quảng bá các sản phẩm nông sản tiêu biểu đến người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương có quy mô hơn 10 triệu người; phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; hợp tác trên lĩnh vực du lịch… Đây là cơ sở để từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa giữa các địa phương, góp phần thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững…
Tuy nhiên, do thời gian triển khai thỏa thuận hợp tác ngắn, nhiều nội dung hợp tác chưa bảo đảm tiến độ thực hiện, chưa đi vào chiều sâu; chưa tạo sức lan tỏa, tác động tổng thể đến phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và cả vùng duyên hải Trung Bộ, nhất là chưa phát huy đồng bộ các thế mạnh của từng địa phương. Ngoài ra, nội dung triển khai hợp tác giữa các địa phương trong năm 2023 chưa bao quát hết các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, y tế, logistics và giáo dục-đào tạo.
Chủ thể hợp tác được thực hiện chủ yếu giữa chính quyền với chính quyền mà chưa lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp các địa phương, hoạt động liên kết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh chưa phát triển mạnh. Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức khi một số sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương vẫn chưa thể kết nối, cung ứng vào thị trường thành phố.
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Những hoạt động này không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại từng địa phương mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững trong toàn khu vực.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải, thời gian tới, thành phố và các địa phương vùng duyên hải Trung Bộ tập trung, thúc đẩy hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch, hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa để đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường liên kết phát triển trên các lĩnh vực du lịch, hỗ trợ phát triển y tế, phát triển giáo dục và đào tạo....