Trong tâm dịch Covid-19, các hoạt động đều gần như bị ngưng trệ do sức tàn phá của đại dịch. Để huy động sức trẻ cùng tham gia hỗ trợ, kết nối, một cổng thông tin Kết nối tình nguyện t hành phố Hồ Chí Minh (Go Volunteer) của Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố đã ra đời. Đến nay, cổng thông tin này vẫn đang tiếp tục phát huy vai trò là kênh thông tin, kết nối các bạn trẻ có mong muốn tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Ra đời trong tâm dịch, Go Volunteer trên cơ sở các đội hình phản ứng nhanh đã có mặt tại tất cả các địa phương để tham gia phòng chống dịch. Tại tâm dịch quận Gò Vấp, sau khi kêu gọi, đội hình 2.000 tình nguyện viên đăng ký, tiến hành triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm, trực khu cách ly, phong tỏa. Sức lan tỏa của đội hình trong tâm dịch không ngừng lớn mạnh, chỉ sau đó mấy tháng, số tình nguyện viên tham gia đã tăng lên 71.400 người để kết nối và triển khai hơn 105.500 lượt tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch. Bạn Nguyễn Tiến Phúc, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm đó, chúng em học online và thực hiện cách ly theo quy định. Khi thấy nhóm cộng đồng ra đời, em đã kêu gọi các bạn em cùng tham gia để chung tay công tác phòng chống dịch, qua đó chúng em cũng học được nhiều điều bổ ích, nhất là các kỹ năng làm việc nhóm, trách nhiệm đối với cộng đồng.
Từ lực lượng tình nguyện viên đông đảo, Go Volunteer đã triển khai 27 đội hình phản ứng nhanh tại các bệnh viện thu dung, cách ly tại các ký túc xá. Mức độ lan tỏa ngày càng lớn, chất lượng các tình nguyện viên đồng đều ở các lĩnh vực. Nhờ đó, trong các dịp cần số lượng tình nguyện viên lớn, có nhiều bạn trẻ đã đăng ký. Đơn cử như tuyển chọn gần một triệu thanh niên tham gia đăng ký các chương trình Chiến dịch Xuân tình nguyện, tình nguyện hè, ra quân các đợt cao điểm về bảo vệ môi trường, điều tiết giao thông; lập đội hình hơn 2 nghìn tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác tổ chức Lễ Quốc tang Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tổ chức 20 đội hình tham gia hỗ trợ đồng bào miền bắc khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
Còn tại Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình “Chung tay vì học sinh thân yêu” ra đời từ năm 2018 gắn với thực tiễn hoạt động, chuyên môn của sinh viên. Anh Nguyễn Vũ Hoài Ân, Bí thư Đoàn trường cho biết, với đặc thù đào tạo, giáo dục kỹ năng của nhiều ngành, cho nên việc tổ chức các hoạt động tìm hiểu kiến thức, trải nghiệm thực tế trở thành một lợi thế đối với những giáo viên tương lai. Từ đó, tuổi trẻ Đại học Sư phạm đã triển khai ba tuyến nội dung, chủ đề như: Dự án “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” với các hoạt động trọng tâm là tìm hiểu kiến thức khoa học theo định hướng giáo dục STEM, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tương tự, chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” và các lớp kỹ năng thực hành xã hội dưới cờ cho học sinh. Đối với dự án “Đọc sách cùng trẻ”, Đoàn trường phối hợp Liên đội các trường tổ chức các hoạt động hướng dẫn học sinh đọc sách theo chuyên đề, qua đó gieo vào các em niềm đam mê và văn hóa đọc sách. Thông qua các phương pháp tiếp cận bằng nghiệp vụ sư phạm, trải qua nhiều giai đoạn thực hiện khác nhau, trong đó có cả giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, thu hút hàng chục nghìn lượt học sinh ở các cấp học tham gia góp phần bồi đắp, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho các em học sinh.
Tương tự, các công trình: “Tuổi trẻ Công an Thành phố Hồ Chí Minh xung kích trong thực hiện Đề án 06/CP - Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Liên hoan thiếu nhi ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia của Ban Thiếu nhi Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình “Tổ ấm ngày Xuân” của Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình “Thắp sáng niềm tin của Đoàn Tổng công ty Điện lực thành phố và Truyền hình Thanh niên (thuộc Thành đoàn);… đã và đang tạo nên những dấu ấn đậm nét trong cộng đồng vì những ý nghĩa an sinh xã hội, thiết thực, hiệu quả mà các công trình mang lại.
Chia sẻ những cống hiến, sức sáng tạo của tuổi trẻ trong các công trình, Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải cho biết, các thế hệ trẻ của thành phố luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của thành phố. Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tuổi trẻ càng có nhiều điều kiện để cống hiến, sáng tạo để khẳng định sức trẻ của mình.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cũng nhấn mạnh, các mô hình, giải pháp được trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm nay đã cho thấy sự nỗ lực trách nhiệm của tuổi trẻ đối với các công tác an sinh xã hội, chăm lo thanh, thiếu nhi thành phố. Đối với các giải pháp, sáng kiến có sức lan tỏa, ý nghĩa trong đời sống, đoàn cần nhân rộng và định hướng kịp thời để tuổi trẻ các cơ quan, đơn vị tiếp cận. Nhắc lại các phong trào tình nguyện đã làm nên thương hiệu của tuổi trẻ thành phố từ cách đây hơn 30 năm, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, tuổi trẻ thành phố cần tiếp tục nỗ lực phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sức trẻ sáng tạo của mình để đóng góp nhiều hơn cho thành phố. Những công trình, dự án hiệu quả liên tiếp ra đời thời gian qua là minh chứng cho tinh thần đó ■