Có mặt tại Phường 17 (quận Gò Vấp), chúng tôi nhận thấy hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân tại đây được giải quyết nhanh chóng. Anh Nguyễn Long Nguyên và chị Nguyễn Khánh Ngân thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại phường chia sẻ: “Nhờ ứng dụng chuyển đổi số mà giờ đây các thủ tục hành chính của người dân được thuận lợi và nhanh chóng. Đã có rất nhiều thủ tục hành chính, người dân có thể làm online tại nhà, như việc đăng ký kết hôn của chúng tôi cũng vậy. Hiện nay, do giấy chứng nhận kết hôn chưa có bản điện tử cho nên sau khi đã làm thủ tục đăng ký kết hôn trực tuyến, chúng tôi chỉ cần đến Ủy ban nhân dân phường xuất trình các giấy tờ tùy thân để đối chiếu, kiểm tra và ký tay xác nhận đăng ký kết hôn tự nguyện là xong. Chúng tôi rất hài lòng khi chính quyền ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ tối đa cho người dân”.
Ông Phan Đình An, Bí thư Phường 17, quận Gò Vấp cho biết: Trong thời gian qua, phường đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả trong thực thi công vụ, xây dựng chính quyền số hiện đại, thuận lợi nhất cho người dân. Phường cũng đã tập huấn cho cán bộ khu phố, tuyên truyền để người dân nắm được các thủ tục có thể thực hiện online tại nhà, với quy trình chi tiết dễ hiểu; sử dụng nền tảng số để tương tác hai chiều giữa chính quyền và người dân. Trong tháng 4/2025, Phường 17 sẽ ra mắt Zalo Mini App (ứng dụng nhỏ tích hợp bên trong nền tảng Zalo) sẽ hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính nhanh hơn, tiện hơn nữa. Việc đẩy mạnh chính quyền số đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước cũng như phục vụ người dân. Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn tiếp tục triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy và điều đó đòi hỏi chính quyền số càng phải phát huy hiệu quả để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số thành phố cho biết, thành phố xem chuyển đổi số là giải pháp nền tảng, đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển.
Năm 2025, thành phố đặt mục tiêu cơ bản đưa toàn bộ hoạt động hành chính lên các nền tảng số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện về chính quyền số, từ đó làm cơ sở để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số; phấn đấu trong năm 2025, 80% thủ tục hành chính sẽ được cung cấp trên môi trường trực tuyến.
Để đạt mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn cho giai đoạn phát triển sau này, thành phố xây dựng giải pháp trọng tâm là dành nguồn lực xây dựng hạ tầng dữ liệu số hiện đại và đồng bộ; tiếp tục triển khai chiến lược quản trị dữ liệu; số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả; phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển mạng lưới viễn thông và công nghệ thông tin, bao gồm việc mở rộng và nâng cấp hệ thống mạng 5G; phát triển hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI); xây dựng hệ thống điện toán đám mây (Cloud Computing)…
Cụ thể hiện nay, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như xác thực dữ liệu thay thế bản sao chứng thực, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức khi đăng ký và giải quyết hồ sơ hành chính qua mạng; trong đó, triển khai ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ thẩm định hồ sơ nhanh chóng, hỗ trợ ra quyết định chính xác, giảm thời gian giải quyết hồ sơ; trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tìm hiểu thủ tục hành chính và điền biểu mẫu điện tử, hỗ trợ nộp hồ sơ dễ dàng, thuận tiện; đồng thời, triển khai xây dựng và áp dụng quy định pháp lý liên quan sử dụng và chia sẻ dữ liệu nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư của người dân và doanh nghiệp khi tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do thành phố cung cấp. Cùng với đó, thành phố cũng đang đẩy mạnh khai thác dữ liệu dân cư và dữ liệu doanh nghiệp. Thông qua việc xác thực hai loại dữ liệu này, người dân và doanh nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng hơn, mà không cần phải nộp bản sao các loại giấy tờ như trước đây.
Để thực hiện số hóa mọi thủ tục, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và tinh gọn sắp xếp tổ chức bộ máy, với một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng để ứng dụng AI hiệu quả trong công việc hằng ngày. Thêm vào đó, hiện nay, các cán bộ ở cấp phường và kể cả cấp quận trên địa bàn thành phố có thể sẽ làm 3-4 đầu việc, rất áp lực và khó để cán bộ có thể hoàn thành được nhiệm vụ nếu không được trang bị kiến thức và kỹ năng về công nghệ. Từ thực tế trên, cuối tuần qua, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nội vụ cũng đã phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI) cho 150 cán bộ, công chức trên địa bàn.
Chuyển đổi số đã và đang đi vào nhận thức của cán bộ, công chức, người dân thành phố như một yêu cầu hết sức cấp thiết. Theo Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số thành phố: “Chúng ta đang đứng trước một hành trình chuyển đổi số, với một tấm bản đồ bao gồm các thông tin chính sách, hướng đi, dữ liệu và các nguồn lực đầu tư. Những ai bước lên chuyến xe đó, đòi hỏi phải có những kiến thức, kỹ năng phù hợp với thời đại số. Mục tiêu đã rõ, vấn đề là chúng ta sẽ điều chỉnh, nỗ lực ra sao để đi đến nơi đúng giờ, hiệu quả” ■