Nhân rộng những nghĩa cử cao đẹp

Tất cả các hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện đều nhằm xoa dịu nỗi đau bệnh tật, có những hướng dẫn điều trị kịp thời, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình bệnh nhân... qua đó góp phần phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, tinh thần tương thân tương ái của cán bộ y tế, viên chức, người lao động...
0:00 / 0:00
0:00
Người bệnh được chăm sóc y tế, trao tặng quà tại Viện y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bệnh được chăm sóc y tế, trao tặng quà tại Viện y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng sớm, bà Đỗ Thị Băng Tâm đã có mặt tại Viện y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh (273 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận) để ngâm chân miễn phí và nghe tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi. Ở tuổi 81, bà rất vui khi được nhân viên công tác xã hội thăm hỏi, chia sẻ cách phòng bệnh theo mùa, sau đó còn được mời ăn bánh canh, uống nước cam. Bà Tâm là một trong số hàng trăm người cao tuổi được chăm sóc miễn phí nhân “Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2025” (ngày 25/3 hằng năm). Tương tự như thế, ông Lê Văn Bính, 67 tuổi, cũng được tặng quà, suất ăn và sách đọc nhân ngày 25/3/2025. Ông là một trong số những người bệnh tham gia chương trình “Cây tri ân trao lời yêu thương”, “Suất ăn nghĩa tình”, “Thảo mộc túc đường-ngâm chân miễn phí”, “Quà tặng trái tim”, “Gian hàng không đồng”…

Theo các chuyên gia tâm lý, công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa người bệnh với nhân viên y tế, giữa người bệnh với cộng đồng. Công tác này cũng là yếu tố cần thiết giúp tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình khi đến bệnh viện điều trị. Tham gia công tác xã hội tại bệnh viện chính là dịp để nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức y tế về giá trị hoạt động công tác này... Hiện hầu hết các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều có đơn vị công tác xã hội chuyên nghiệp.

Theo ông Trần Thúc Bảo, Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay viện phối hợp với Hội đông y thành phố tổ chức chuỗi hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần thường xuyên vào các ngày thứ bảy hằng tuần (bắt đầu từ ngày 1/3/2025) nhằm khám bệnh, chữa bệnh, tầm soát các bệnh lý: hậu môn-trực tràng; sức khỏe sinh sản phụ nữ; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); viêm xoang, viêm mũi dị ứng; đau lưng; suy tĩnh mạch chi dưới; đau đầu, mất ngủ; béo phì; viêm da cơ địa. Song song đó, đơn vị lồng ghép tổ chức tư vấn, tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe, tư vấn bảo hiểm y tế cho người dân trên địa bàn.

Sau tám năm thành lập, với hiệu suất hoạt động 24/7, Phòng công tác xã hội của Viện y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc cho 20.888 lượt người bệnh. Hoạt động hỗ trợ đóng gói và giao thuốc đến tận nhà người bệnh đạt con số đáng ghi nhận là 998 đơn thuốc; giải quyết hơn 35 ý kiến góp ý và tiếp nhận hơn 350 thư khen. Công tác tư vấn, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân đã đạt được bước tiến lớn với hơn 335 nghìn lượt tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe được phát ra và 198 bài viết, bài báo, chương trình truyền hình về các nội dung truyền thông, giáo dục sức khỏe được đăng tải trên trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội. Nhằm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phát huy tính xung kích, tình nguyện chủ động của người thầy thuốc trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, người dân có hoàn cảnh khó khăn, công tác kêu gọi, vận động nhà tài trợ, nhà hảo tâm cùng chung tay với viện đồng hành, hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm thường xuyên.

Thời gian vừa qua, với việc tổ chức 13 chương trình “Ngày hội đồng hành cùng người bệnh”, những người làm công tác xã hội đã đóng góp công sức, tham gia cắt tóc, gội đầu, chăm lo cho người bệnh không có điều kiện về quê đón Tết với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng. Hàng chục đợt khám, chữa bệnh nhân đạo cho người dân ở 40 tỉnh, thành phố đã được tổ chức với kinh phí tổ chức hơn 29,8 tỷ đồng...■