Tạo sức bật cho kinh tế-xã hội thành phố

So với ba tháng đầu năm, kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 4 có nhiều khởi sắc, tín hiệu tích cực. Thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ cũng như nỗ lực vượt khó trong bối cảnh nhiều khó khăn, điểm nghẽn đang bủa vây.
0:00 / 0:00
0:00
Nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức) giúp giảm kẹt xe, đồng thời tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố.
Nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức) giúp giảm kẹt xe, đồng thời tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2023, các ngành công nghiệp, thương mại, nhất là du lịch, vận tải hành khách có sự khởi sắc, mức tăng trưởng ấn tượng; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 95.800 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung bốn tháng đầu năm, doanh thu của lĩnh vực này đạt hơn 359 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tổng doanh thu du lịch đạt 15 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng khách du lịch nội địa ước đạt gần ba triệu lượt, tăng 51,7% so với cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 338 nghìn lượt, tăng 195,2%.

Tính chung bốn tháng đầu năm, tổng doanh thu của ngành này ước đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với ngành công nghiệp, bốn tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, kinh tế thành phố vẫn còn không ít khó khăn. Trong tháng 4, thành phố có hơn 14.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 145 nghìn tỷ đồng, giảm 9,6% về số lượng và giảm gần 25% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Chưa kết, số vốn đăng ký đầu tư bổ sung cũng giảm 59% so với cùng kỳ, chỉ đạt 96 nghìn tỷ đồng. Ảm đạm hơn, trong tháng 4 này, toàn thành phố có gần 15.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ; chỉ có hơn 5.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 26% so với cùng kỳ. Ở lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, vốn là thế mạnh của thành phố thì trong bốn tháng đầu năm 2023, thành phố thu hút được gần 980 triệu USD, giảm 23,45% so với cùng kỳ năm 2022.

Lãnh đạo nhiều sở, ngành thành phố cho rằng, sỡ dĩ bức tranh kinh tế của thành phố vẫn tiếp tục ảm đạm là do kinh tế thế giới vẫn đang khó khăn, chưa có chiều hướng cải thiện đáng kể; chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt của nhiều quốc gia tiếp tục duy trì.

Ngoài ra, các chính sách về thị trường bất động sản, tài chính dù đã có nhiều chuyển biến song vẫn chưa tạo được "sức bật" đối với nền kinh tế; công tác giải ngân đầu tư công chậm cải thiện cho nên chưa tạo được sức ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.

Nhấn mạnh về nền kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi cho rằng, trong tháng 4, tình hình kinh tế-xã hội thành phố tuy có tín hiệu khởi sắc so với các tháng trước đó song các khó khăn, điểm nghẽn vẫn còn kéo dài cho nên thành phố cần tiếp tục nỗ lực để đón bắt, ứng xử phù hợp trong tình hình cụ thể.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giải ngân đầu tư công với mục tiêu đến hết quý II sẽ đạt 35% kế hoạch cả năm. Đây là mục tiêu lớn để thành phố tạo sức bật cho nền kinh tế. Tuy vậy, khi quý II của năm đã trôi qua một tháng nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt gần 5%.

Thành phố cho rằng, để hoàn thành mục tiêu này, các sở, ngành sẽ phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, trong đó có vấn đề về giải phóng mặt bằng, tiền đề cho công tác giải ngân đầu tư công.

Việc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thành lập 13 tổ công tác kiểm tra, giám sát các dự án trọng điểm về triển khai vốn đầu tư công trên địa bàn cho thấy quyết tâm đưa thành phố trở lại tốc độ phát triển nhanh như thường thấy. Các tổ công tác sẽ trực tiếp, thường xuyên giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện từng dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện dự án, công trình và giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế đầu tàu của đất nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị mình. Trong đó, Sở Công thương xây dựng các nhóm giải pháp, chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, khai thác hiệu quả các thị trường cho các ngành hàng có thế mạnh.

Đối với hoạt động sản xuất, các đơn vị nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất thành phố tháo gỡ. Trong dài hạn, thành phố sẽ tập trung rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức; đồng thời tiếp tục hoàn thành thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai rà soát, phân loại các dự án quy hoạch treo, đề xuất hướng xử lý từng dự án lớn quy mô cấp thành phố.

Thành phố cũng luôn chú trọng phát huy tính sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm trong đội ngũ cán bộ của thành phố. Trong nhiều cuộc họp, hội nghị của thành phố, lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đều nhấn mạnh đến việc tập thể lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hành động, dám nghĩ dám làm để tiếp tục đưa thành phố phát triển xứng đáng với vị thế, dư địa của mình.