Tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nguồn cung lao động dồi dào, nhiều chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là tiềm năng để thành phố đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cả trước mắt và lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00

Trên địa bàn thành phố hiện có 70 doanh nghiệp được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã đưa từ 10.000-14.000 người đi làm việc ở nước ngoài; từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, các nước hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, do đó số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh.

Nhìn chung, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tiếp thu công việc nhanh. Qua đó, có thể thấy được tầm quan trọng của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong việc giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, tác phong làm việc, tăng thu nhập và đóng góp cho sự phát triển của thành phố và cả nước.

Tuy nhiên, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại thành phố những năm qua đã xuất hiện những vấn đề cần được các ngành chức năng nghiên cứu, có biện pháp giải quyết hiệu quả. Đó là, hiệu quả kinh tế-xã hội chưa thật cao, chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, chủ yếu do trình độ ngoại ngữ còn thấp so với yêu cầu, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, một bộ phận người lao động không tuân thủ hợp đồng và các cam kết đã ký gây ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, công tác kết nối giữa cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại với cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở trong nước, với các công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố chưa phát huy hết hiệu quả trong công tác quản lý, bảo hộ công dân…

Để khắc phục những vấn đề nêu trên, đòi hỏi thành phố cần tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật: Quan tâm tới công tác tạo nguồn lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong, ngoài nước thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thành phố cũng cần giám sát công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của doanh nghiệp; kết hợp doanh nghiệp với hệ thống trường nghề để tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng được yêu cầu; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền liên quan nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Thành phố cần thiết lập một kênh liên lạc hợp tác hiệu quả, bền vững giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Sự hợp tác tốt sẽ giúp giải quyết nhiều thách thức, đem lại nhiều cơ hội cho người lao động, chuyên gia của thành phố.