Người dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, chăm sóc cây thanh long. (Ảnh: Nguyễn Sự)
Người dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, chăm sóc cây thanh long. (Ảnh: Nguyễn Sự)

Tăng sức cạnh tranh cho quả thanh long xuất khẩu

Sau một thời gian giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam tăng trưởng cao và nhiều năm đạt mốc hơn 1 tỷ USD. Nhưng những năm qua, giá trị xuất khẩu thanh long đang giảm nhanh và rớt khỏi nhóm tỷ USD do thị trường tiêu thụ khó khăn, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân chưa bền vững…

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thay đổi, mặt hàng thanh long nước ta dự báo gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu thời gian tới và sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người trồng.

Rớt khỏi nhóm tỷ USD

Nhiều năm liền, thanh long là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam. Trong đó, giai đoạn từ năm 2017 đến 2021 liên tục ở mốc hơn một tỷ USD. Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, từ năm 2022 trở lại đây, giá trị xuất khẩu thanh long giảm mạnh và chính thức rớt khỏi nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu thanh long nước ta liên tục tăng từ 57,15 triệu USD năm 2010 lên hơn 100 triệu USD năm 2011 và năm 2018, giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 1,270 tỷ USD.

Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Bình chia sẻ: “Rau quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam. Trong 8 năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ. Vượt trên giá trị xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (đạt 3,34 tỷ USD)”.

Cùng với sầu riêng, chuối, xoài, mít, thanh long là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong đó, giá trị xuất khẩu thanh long nước ta liên tục tăng từ 57,15 triệu USD năm 2010 lên hơn 100 triệu USD năm 2011 và năm 2018, giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 1,270 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2022 giá trị xuất khẩu thanh long đã giảm xuống còn 663 triệu USD. Đến hết tháng 8 năm 2023, giá trị xuất khẩu thanh long mới đạt gần 450 triệu USD giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng sức cạnh tranh cho quả thanh long xuất khẩu ảnh 1

Nông dân tỉnh Tiền Giang chăm sóc cây thanh long. (Ảnh: Nguyễn Sự)

Nguyên nhân là một số thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trước đây như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… chưa trồng hoặc chưa trồng nhiều thanh long. Nhưng, hiện nay các nước này xác định thanh long là cây trồng chính và sẽ được tập trung phát triển thành cây chủ lực.

Bên cạnh đó, bà con nông dân nước ta sản xuất theo kinh nghiệm, chưa tuân thủ các điều kiện, yêu cầu nghiêm ngặt của các thị trường nhập khẩu.

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ

Hiện nay, cây thanh long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh như: Bình Thuận chiếm 50,73% diện tích cả nước, tiếp đến là Tiền Giang 16,42%, Long An là 15,15% còn lại là các địa phương khác.

Sản xuất thanh long của Việt Nam hiện nay còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết; chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường và chưa chú trọng đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Bình

Tính trên phạm vi ba tỉnh: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cơ cấu giống thanh long giống vỏ đỏ ruột trắng khoảng 55%, giống vỏ đỏ ruột đỏ khoảng 40%, giống khác chiếm 5%.

Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Bình cho rằng: “Sản xuất thanh long của Việt Nam hiện nay còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết; chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường và chưa chú trọng đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm”.

Hơn nữa, nhiều lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Anh bị cảnh báo do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định.

Bên cạnh đó, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn, cao cấp; hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho bảo quản tiên tiến, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu, hạn chế về công nghệ.

Cùng với đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu dẫn đến sự phát sinh, phát triển của nhiều loại sâu bệnh, dịch hại cùng với giá vật tư phân bón tăng cao ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất, giá thành, an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh…

Những thách thức ở phía trước

Trưởng phòng Cây công nghiệp, Cây ăn quả, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết: “Năm 2022, diện tích trồng thanh long trên địa bàn cả nước đạt gần 55 nghìn ha, sản lượng 1,285 triệu tấn thuộc nhóm tám cây ăn quả có quy mô sản xuất lớn nhất”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 28.000 ha trồng thanh long với hơn 500 tổ hợp tác và khoảng gần 10.000 hộ. Hiện nay, việc tiêu thụ thanh long trên địa bàn không ổn định, giá bán bấp bênh, khả năng cạnh tranh còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa đa dạng.

Nước ta có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất thanh long hàng hóa; có lợi thế sản xuất rải vụ thu hoạch nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn nên thanh long cho thu hoạch quanh năm. Hơn nữa, sản xuất thanh long đã hình thành được các vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp tăng khả năng cạnh tranh cho mặt hàng này khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau thời gian chiếm lĩnh được một số thị trường, thanh long Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt.

Qua thống kê, hiện nay 80 đến 85% sản lượng thanh long của nước ta sản xuất ra hằng năm phục vụ xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực, chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022.

Trong khi đó, giống chủ lực của Việt Nam là thanh long vỏ đỏ ruột trắng có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng, nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc hiện nay đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch. Mặt khác, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường mới Ấn Độ, các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Mỹ… và tiêu dùng trong nước, công nghiệp chế biến tăng trưởng chưa cao.

Qua thống kê, hiện nay 80 đến 85% sản lượng thanh long của nước ta sản xuất ra hàng năm phục vụ xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực, chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022.

Tăng sức cạnh tranh cho quả thanh long xuất khẩu ảnh 2

Nông dân tỉnh Tiền Giang thu hoạch thanh long. (Ảnh: Nguyễn Sự)

Mặc dù vậy, diện tích trồng thanh long một số nước thời gian qua có xu hướng tăng, nhất là Trung Quốc có quy mô về diện tích và sản lượng tăng nhanh nên nhu cầu nhập khẩu sản phẩm này hạn chế. Riêng Ấn Độ, đây là thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000 ha hiện nay lên 50.000 ha trong 5 năm tới.

Giai đoạn 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương ổn định diện tích thanh long trong khoảng 60.000 đến 65.000 ha, duy trì sản lượng từ 1,3 đến 1,5 triệu tấn.

Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam chỉ tập trung tăng diện tích thanh long mà không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Hướng đến chất lượng, không chạy theo số lượng

Giai đoạn 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương ổn định diện tích thanh long trong khoảng 60.000 đến 65.000 ha, duy trì sản lượng từ 1,3 đến 1,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm năng suất, nâng cao mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Tại hội nghị phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức vừa qua, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, để duy trì lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thanh long đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, áp dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo và thân thiện với môi trường.

Muốn thanh long phát triển bền vững thì phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải, song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam

Mặt khác cần lấy thị trường làm trọng tâm để điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu. Sản xuất thanh long bền vững cần sử dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về thực phẩm bền vững và giảm phát thải các bon.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, muốn thanh long phát triển bền vững thì phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải, song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm; tổ chức lại sản xuất thanh long theo chuỗi liên kết bởi nếu có giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì hiệu quả chưa cao, giá trị gia tăng thấp.

Trưởng phòng Cây công nghiệp, Cây ăn quả (Cục Trồng trọt) Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng: “Trong bối cảnh nhiều quốc gia mở rộng diện tích dẫn đến sản lượng thanh long tăng. Vì vậy, để tránh tình trạng cung vượt cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương không gia tăng diện tích thanh long, nhất là tại các vùng đất đai, tưới tiêu không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng ảnh hưởng của ngập lụt và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Cùng với đó, cần bố trí diện tích thanh long rải vụ thu hoạch khoảng 60% diện tích, thanh long chính vụ 40%; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa người dân với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long.

Đặc biệt, cần giữ vững xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, trong đó chủ động tìm hiểu, đáp ứng tốt các yêu cầu, thị hiếu từng thị trường về mẫu mã, chất lượng và yêu cầu nhập khẩu.

Mặt khác, các địa phương và người dân cần giảm sản xuất thanh long tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng; nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng quả thanh long; tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng đến xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.

Phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp và nông dân phương thức sản xuất, đóng gói, chế biến... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu; đẩy mạnh đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa…

back to top