Xuất khẩu thanh long được dự báo gặp nhiều thách thức

NDO - Ngày 29/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp cũng đặt ra vấn đề tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Đối với thanh long, đây là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam với diện tích khoảng 55 nghìn ha, sản lượng 1,3 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1 tỷ USD.

Đây là lợi thế lớn và thanh long tập trung ở 3 vùng Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và một số vùng nhỏ ở các địa phương khác.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả cho thanh long để tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích thanh long thế giới hiện nay ước đạt khoảng 140-145 nghìn ha.

Việt Nam trong một thời gian khá dài là nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu thanh long.

Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng “thần tốc”, từ 3,4 nghìn ha vào năm 2011 lên 67 nghìn ha với sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn vào năm 2021 (vượt so Việt Nam).

Xuất khẩu thanh long được dự báo gặp nhiều thách thức ảnh 1
Đại biểu tham quan trái thanh long trưng bày tại hội nghị

Giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam liên tục tăng từ hơn 57 triệu USD năm 2010 lên 100 triệu USD năm 2011 và từ năm 2017-2020, mỗi năm vượt mốc 1 tỷ USD.

Hiện, thanh long của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi các thị trường nhập khẩu thanh long của Việt Nam ngày càng đòi hỏi về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Giống chủ lực là thanh long vỏ đỏ ruột trắng của nước ta có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng nhưng vị nhạt, không giòn.

Ngoài ra, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính.

Hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho bảo quản tiên tiến, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu, hạn chế về công nghệ.

Đề cập đến định hướng thị trường xuất khẩu, ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế so với các năm trước.

Trong khi đó, sản xuất thanh long ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết và thống nhất, chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường, chưa chú trọng đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

Xuất khẩu thanh long được dự báo gặp nhiều thách thức ảnh 2

Quang cảnh hội nghị phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam

Nhiều lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Anh đã bị cảnh báo do vi phạm quy định về kiểm định thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định...

Để xuất khẩu thanh long bền vững, ông Trần Thanh Bình lưu ý cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Để làm được điều này, các đơn vị liên quan, các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất thanh long cần nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng quả thanh long; tăng cường sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… hướng đến xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính.

Cũng tại tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ định hướng về phát triển thanh long Việt Nam và thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thanh long xanh, bền vững.

Đồng thời, thảo luận về cơ chế và giải pháp để tạo cơ hội thúc đẩy liên kết chuỗi giữa người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.