Phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một trong những định hướng quan trọng của tỉnh Bình Thuận nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Bình Thuận. (Ảnh KIỀU HẰNG)
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Bình Thuận. (Ảnh KIỀU HẰNG)

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã bảo hộ 120 chỉ dẫn địa lý, bao gồm 108 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 12 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Trong đó, một số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở nước ngoài nổi bật như: Chỉ dẫn địa lý "Phú Quốc" cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ ở EU; chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" cho sản phẩm quả thanh long được bảo hộ ở Nhật Bản; chỉ dẫn địa lý "Lục Ngạn" cho sản phẩm quả vải thiều được bảo hộ ở Nhật Bản...

Bình Thuận được biết đến là một trong những vùng trồng nhiều thanh long nhất cả nước, với diện tích gần 30.000ha. Đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc (95%). Mới đây nhất, thanh long Bình Thuận đã được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính nhất hiện nay. Hiện, nhãn hiệu "Bình Thuận Dragon Fruit" đã được bảo hộ tại 14 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc...

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận Võ Huy Hoàng cho rằng, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển thanh long, được xem là "chìa khóa" giúp loại trái cây này tiêu thụ vững chắc không chỉ ở thị trường trong nước mà còn là đòn bẩy để tiến mạnh vào các thị trường thế giới.

Để phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nói chung, sản phẩm thanh long tại Bình Thuận nói riêng, theo ông Ngô Việt Thắng, Giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trước hết cần có sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp, các ngành như: UBND các huyện, thành phố có sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; các ngành: Nông nghiệp, công thương, thuế, tài chính, kế hoạch-đầu tư, thông tin-truyền thông, các hội, hiệp hội... nhất là của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận - chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất cũng cần phải có trách nhiệm trong tuân thủ các quy định để sản phẩm khi lưu thông trên thị trường có chất lượng, uy tín với người tiêu dùng. Cần có các cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý về thuế, đầu tư tài chính, đầu tư về ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, nhằm bảo đảm chất lượng và nâng cao giá trị của sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận Mai Thanh Nga cho biết, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp phát huy tiềm năng các nguồn lực địa phương. Đồng thời, thúc đẩy việc chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận... Do đó, những năm qua, tỉnh thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực hiện các thủ tục sử dụng chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" cho quả thanh long và "Phan Thiết" cho sản phẩm nước mắm. Cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cũng được các địa phương, đơn vị triển khai lồng ghép với các nhiệm vụ như cấp chứng chỉ VietGAP, công tác kiểm dịch nội địa và an toàn thực phẩm…

Để duy trì và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý thanh long tại Nhật Bản, thời gian tới, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đưa ra giải pháp cụ thể cho tỉnh Bình Thuận: Trước hết cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân trong việc nâng cao biện pháp canh tác để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn như đã bảo hộ; tạo ra sản phẩm ngày càng tốt hơn nhằm khẳng định vị thế danh tiếng của sản phẩm. Đồng thời, cần củng cố Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận để đủ năng lực quản lý cấp mã số vùng trồng, quản lý biện pháp canh tác, năng lực tài chính; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo khách hàng, nhất là thị trường nước ngoài và thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các hiệp hội tại địa phương đề nghị ngành ngân hàng cần có những cách làm linh hoạt, có giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính, giảm lãi suất cho vay, cấp tín dụng mới trong năm 2023 để giúp các doanh nghiệp, các hợp tác xã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những năm tiếp theo.