“Rộng cửa” xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

NDO - Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam nhiều nhất trong 7 tháng đầu năm 2023. Trong khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9% thì giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh long là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc.
Thanh long là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc.

Tính riêng 2 quý đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 5,2 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng đột phá như: gạo, rau quả, hạt điều…

Nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc

Với ngành hàng rau quả, 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận kim ngạch xuất khẩu bứt phá sang thị trường Trung Quốc với 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so cùng kỳ năm 2022; chiếm 65,8% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Riêng mặt hàng trái cây, Trung Quốc nhập khẩu nhiều thanh long, sầu riêng, chuối, mít, xoài… Nhất là sầu riêng, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt hơn 915 triệu USD, tăng 997,4% so cùng kỳ năm ngoái, trong số này chủ yếu là xuất sang Trung Quốc.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Ngô Tường Vy cho biết: Năm 2023, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên trái cây của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu trái cây trong nửa cuối năm 2023 sẽ tiếp tục khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh.

Cùng với rau quả, mặt hàng gạo đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân một phần là do sản lượng gạo của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm trong năm 2023, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng cao, nhất là các chủng loại gạo chính như: gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm và một số ít là gạo giống Nhật, gạo lứt, gạo vi chất…

Với mặt hàng thủy sản, mặc dù 6 tháng đầu năm vẫn đang trong tình trạng sụt giảm kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc nhưng tháng 6/2023, tốc độ giảm đã về mức một con số, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2022, đạt 121,97 triệu USD.

Riêng mặt hàng tôm, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 6 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ghi nhận tăng so cùng kỳ năm ngoái với mức tăng 19%, đạt 59 triệu USD.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đạt 9,85 tỷ USD, tăng 21,7% so cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, trong quý II/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 75,23% về lượng và chiếm 73,93% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 288,9 nghìn tấn, trị giá 382,77 triệu USD, tăng 12,8% về lượng, nhưng giảm 8% về trị giá so quý II/2022.

Thị phần cao su Việt Nam chiếm 12,57% về lượng và chiếm 11,27% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so cùng kỳ năm 2022.

Triển vọng những tháng cuối năm

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023. Do đó, dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ tăng nhẹ khi một số mặt hàng như: rau quả, gạo, điều vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng; các mặt hàng thủy sản, đồ gỗ, sắn có thể phục hồi nhẹ trong những tháng cuối năm 2023.

Cụ thể, với mặt hàng sắn, trong 2 tháng gần đây, nhập khẩu sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc giảm so cùng kỳ năm 2022 do đang vào mùa tiêu thụ thấp điểm.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc sẽ sôi động trở lại khi nước này chuẩn bị bước vào mùa sản xuất bánh trung thu. Mặc dù, tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với các nước như: Thái Lan, Lào và Campuchia, song với lợi thế giá rẻ, giao thương quen thuộc, thị trường gần, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023. Do đó, dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ tăng nhẹ.

Ngoài ra, cao su cũng là mặt hàng tiềm năng có thể lấy lại mức tăng trong những tháng cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên.

Cụ thể, trong mấy tháng gần đây, nhập khẩu cao su của Trung Quốc liên tục tăng khi ngành ô-tô nước này bắt đầu có những tín hiệu tăng trưởng tích cực.

Với ngành hàng rau quả, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 3 thế giới.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu rau quả của Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2022.

Với lợi thế về vị trí địa lý gần với Trung Quốc, việc vận chuyển rau quả tươi của Việt Nam sang thị trường này có chi phí thấp hơn, giữ được độ tươi và chất lượng, nên có khả năng cạnh tranh hơn so các nguồn cung cấp khác.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc những tháng cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến vào tháng 9 tới, Bộ sẽ xem xét, bàn cụ thể việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển nông nghiệp và giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).

Bộ cũng xúc tiến thành lập “Hiệp hội Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Quảng Tây” và “Hiệp hội Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Vân Nam”; đồng thời thúc đẩy kỹ thuật để sớm ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc; tổ chức Hội thảo “Giải pháp xây dựng và bảo vệ thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”; Hội thảo “Hình thành chuỗi logistics nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc”.