Cần sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân

16 bộ, ngành và địa phương đã đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân lên cao hơn so với hiện nay, trong đó mức cao nhất được kiến nghị là 18 triệu đồng/tháng, do mức giảm trừ gia cảnh hiện đã không còn phù hợp mức sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.
Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp tiếp thu góp ý về xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó, các bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin-Truyền thông... và chính quyền một số tỉnh, thành phố đều cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh áp dụng với người nộp thuế không còn phù hợp điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện nay.

Hiện mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp..., số còn lại là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, mức giảm trừ này thể hiện nhiều bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi mức chi tiêu tăng và giá cả ngày càng đắt đỏ.

Nhiều người làm công ăn lương tại Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, mức giảm trừ gia cảnh áp dụng cho người nộp thuế duy trì từ năm 2020 đã không còn phù hợp trong tình hình hiện nay. Không ít gia đình hai vợ chồng là công nhân làm việc trong các nhà máy, công xưởng có tổng thu nhập hơn 34 triệu đồng/tháng (đã thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân), nhưng thực tế cuộc sống của họ vẫn khá chật vật vì phải chi trả các khoản tiền thuê nhà, nuôi con ăn, học và chi phí cuộc sống sinh hoạt đắt đỏ.

Mức thu nhập gia đình hơn 30 triệu đồng/tháng có thể cao ở khu vực nông thôn, nhưng với mức sống tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, người làm công ăn lương vẫn phải cân đối ngân sách, chi tiêu tiết kiệm mới đủ sống.

Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, một trong những điểm bất hợp lý khác của Luật Thuế thu nhập cá nhân là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20%, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp sự biến động của giá cả.

Tuy nhiên, quy định này không còn phù hợp vì lạm phát của Việt Nam chỉ tăng khoảng 3-4%/năm, để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Việc dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) sẽ được Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026 và có thể áp dụng từ năm 2027 là quá lâu. Nếu phải chờ đến năm 2027 mới điều chỉnh, nhiều người làm công ăn lương sẽ phải còng lưng gánh thuế, dù thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.

Do đó, dư luận rất đồng tình và mong muốn dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về giảm trừ gia cảnh được hoàn thiện và sớm được thông qua để hỗ trợ người lao động, giúp gia đình họ giảm bớt áp lực tài chính. Trong đó, cần xem xét tình hình kinh tế, khu vực sinh sống của người lao động để xác định mức giảm trừ gia cảnh hợp lý, công bằng.

Người lao động cũng rất kỳ vọng về một nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính định hướng sửa đổi là sẽ giảm số bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần xuống dưới bảy bậc như đang áp dụng hiện nay nhằm giảm gánh nặng về thuế đối với người có thu nhập từ tiền công, tiền lương.