Tái cấu trúc giao thông đô thị

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Bộ Công an quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được triển khai từ ngày 26/12/2024 đã tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông, đồng thời cho thấy những hạn chế về hệ thống hạ tầng giao thông đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh ùn tắc tại Quốc lộ 13, thành phố Thủ Đức.
Cảnh ùn tắc tại Quốc lộ 13, thành phố Thủ Đức.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 14 triệu người dân sinh sống và làm việc. Mỗi ngày trung bình có khoảng 10 triệu phương tiện các loại lưu thông trên đường. Lượng xe càng ngày càng tăng, đường lại không thể mở rộng, cho nên chỉ cần một sự cố về đèn tín hiệu hay một va chạm trên đường cũng đủ gây ra tình trạng giao thông hỗn loạn, ùn tắc kéo dài.

Cấu trúc giao thông đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh hướng về trung tâm, tạo ra tình trạng giao thông “con lắc” (sáng ùn tắc chiều vào, chiều ùn tắc chiều ra). Để xây dựng các khu đô thị vệ tinh, giãn dân, tạo việc làm ở các khu vực vùng ven, giảm quá tải cho khu vực trung tâm cần thời gian và nguồn tài chính lớn.

Giải pháp bền vững nhất vẫn là hạn chế xe cá nhân song song với phát triển giao thông công cộng. Không một đô thị nào trên thế giới, cho dù hiện đại, có thể giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông khi phần lớn người dân sử dụng xe cá nhân.

Với hình thái đô thị hiện tại, việc càng mở đường sẽ càng tắc nghẽn. Do vậy, thành phố cần tận dụng các cơ chế đặc thù, tập trung phát triển mô hình dựa vào giao thông công cộng (TOD). Theo đó, phần lớn người dân sinh sống và làm việc trong các tòa nhà cao tầng, sử dụng giao thông công cộng (metro và xe buýt). Song song với đó là ban hành lộ trình bỏ xe mô-tô, xe máy và hạn chế xe cá nhân.

Về lâu dài, các chuyên gia cũng kiến nghị, mô hình TOD không chỉ áp dụng tại các dự án đường vành đai, đường sắt tốc độ cao bắc-nam mà có thể áp dụng đối với cả đường sắt đô thị khu vực trung tâm. Thành phố mở rộng biên thu hồi đất, tổ chức đấu giá tạo nguồn tài chính để xây dựng đường và các dự án hạ tầng công cộng khác. Phương pháp này góp phần tạo nên bộ mặt khang trang, hiện đại cho thành phố, định hình lại không gian đô thị và giúp đạt các chỉ tiêu như tỷ lệ cây xanh và bãi đỗ xe…

Điều kiện tiên quyết để chính sách này thành công là chia sẻ lợi ích cho người dân bị thu hồi đất bằng các giải pháp phù hợp. Thí dụ, người sở hữu quyền sử dụng đất bị thu hồi, ngoài được nhận tiền đền bù hoặc đất tái định cư, có thể được mua căn hộ (với diện tích tương ứng diện tích đất bị thu hồi) trong dự án xây dựng tại khu vực đất thu hồi hoặc lân cận với giá ưu đãi. Khi đó, lợi ích mở đường không chỉ dành riêng cho cá nhân/tổ chức nào mà sẽ được chia sẻ chung cho dân cư đô thị ■