Hiện, nguồn nhân lực của ngành y tế thành phố đã có nhiều biến đổi cả về số lượng, chất lượng lẫn cơ cấu. Tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân tăng từ 16,07 bác sĩ năm 2016 lên 20 bác sĩ vào năm 2020. Số lượng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe trên địa bàn thành phố tăng dần theo thời gian. Tính đến cuối năm 2021, thành phố có tám cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học; tám trường cao đẳng; 20 trường trung cấp và dạy nghề cùng hệ thống cơ sở thực hành lâm sàng tại 51 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành y tế thành phố.
Theo PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số cán bộ, công chức, viên chức y tế của thành phố có trình độ sau đại học tăng từ 6.385 người năm 2016 lên 7.188 người vào năm 2020 và 8.400 người trong năm 2021. Số bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học tăng từ 3.565 người năm 2010 lên 5.115 người năm 2015 và năm 2021 là 6.028 người.
Với sự phát triển nguồn nhân lực y tế, lĩnh vực y tế chuyên sâu của thành phố tiếp tục có được những bước tiến để xây dựng ngành y tế thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và ngang tầm với khu vực. Rất nhiều kỹ thuật cao đã được các bệnh viện ứng dụng vào khám, chữa bệnh như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, tim mạch can thiệp, y học hạt nhân, hỗ trợ sinh sản,... với chi phí giảm từ một phần ba đến một nửa so với sản phẩm, dịch vụ cùng loại ở nước ngoài. Có thể khẳng định, các thầy thuốc của ngành y tế thành phố hoàn toàn có đủ khả năng để tiếp nhận và phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực và thế giới.
Tuy vậy, ngành y tế thành phố còn gặp thách thức không nhỏ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế giai đoạn hiện nay, đó là phải đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố và cho cả khu vực phía nam cả về số lượng, chất lượng với đầy đủ các loại hình nhân viên y tế. Tuy thành phố có tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân cao nhất cả nước (20 bác sĩ/vạn dân), nhưng nếu so sánh với các nước có hệ thống y tế phát triển về số bác sĩ/vạn dân như ở Australia là 38, New Zealand là 34, Hàn Quốc và Nhật Bản là 25,... thì thành phố vẫn cần tiếp tục bổ sung thêm số lượng bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn thành phố và các địa phương trong cả nước cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở, trong đó, trạm y tế giữ vai trò trung tâm. “Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, hệ thống y tế cơ sở thành phố đã bộc lộ những điểm yếu trong việc duy trì hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cụ thể là về nhân lực, cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị”, PGS, TS Tăng Chí Thượng cho biết.
Hiện, thành phố có 312 trạm y tế nhưng 50% số trạm chưa có trưởng, phó trạm. Tỷ lệ bác sĩ của thành phố hiện nay là 20 bác sĩ/vạn dân, nhưng tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên một vạn dân chỉ đạt 2,31, thấp hơn rất nhiều so với Hà Nội và một số địa phương trên cả nước.
Thành phố vẫn tồn tại một nghịch lý, đó là mô hình tháp ngược về bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ thực hành tổng quát (còn gọi là bác sĩ đa khoa, hay GP) trên địa bàn. Theo đó, đa số bác sĩ khi mới tốt nghiệp và trong quá trình làm việc đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa và thực tế cho thấy, số lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều lần so với số bác sĩ thực hành tổng quát (GP) và bác sĩ gia đình. Do vậy, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở sẽ còn gặp nhiều khó khăn, khó có thể phát triển được và tình trạng quá tải bệnh viện với nhiều hệ quả của nó sẽ còn tiếp diễn. Không chỉ thế, nhiều loại hình nhân viên y tế chưa được các trường đại học y khoa đưa vào đào tạo hoặc đào tạo không đủ số lượng so với nhu cầu thực tế như chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện; chuyên viên y tế công cộng số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực cho y tế cơ sở.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết thêm, bên cạnh tiếp tục ưu tiên nguồn nhân lực để phát triển y tế chuyên sâu; không ngừng sáng tạo, thí điểm giải pháp để củng cố y tế cơ sở, ngành y tế thành phố còn được lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ triển khai thành công sáu chiến lược y tế với nhiều giải pháp thiết thực để từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TP Hồ Chí Minh, thành phố cần đưa vào chương trình đào tạo nội dung về y đức, phát triển kỹ năng mềm để bác sĩ y khoa khi ra trường đạt được các mục tiêu như một số nước đã thực hiện...
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế của thành phố luôn là một điểm sáng của cả nước. Đến nay, hệ thống đào tạo đã có sự phát triển vượt bậc, cung cấp đội ngũ nhân lực y tế đáp ứng ngày càng cao về số lượng và chất lượng.
Đưa công tác đào tạo nhân lực y tế thành phố đạt trình độ tiên tiến của thế giới hay quốc tế hóa, phổ cập hóa tri thức và tiến bộ y khoa của thế giới trong công tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực thành phố đang là mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đào tạo nhân lực thành phố cả trước mắt và lâu dài...