Tăng cường liên kết vùng để quảng bá du lịch

Du lịch là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm vừa qua. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thành phố ở nước ngoài, nâng cao hiệu quả liên kết vùng đã giúp du lịch thành phố tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu của ngành du lịch Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Áo dài là một trong những sự kiện du lịch nổi bật trong năm 2024.
Lễ hội Áo dài là một trong những sự kiện du lịch nổi bật trong năm 2024.

Nhìn lại năm 2024, du lịch thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục triển khai những sản phẩm đặc trưng của thành phố; đồng thời, tích cực thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch MICE, nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, góp phần gia tăng sức hấp dẫn của điểm đến.

Hoạt động thông tin, quảng bá được đẩy mạnh với điểm nhấn: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đưa các hoạt động du lịch lên nền tảng trực tuyến nhằm tạo hiệu ứng, tính tương tác, độ lan tỏa cao.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức các sự kiện du lịch kết nối với văn hóa tại thành phố tạo được điểm nhấn với các sự kiện chính như: Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Lễ hội Sông nước, Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh… Đáng chú ý, công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố có nhiều nét mới, vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, du lịch thành phố vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; cơ cấu nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, vẫn còn tình trạng thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm.

Sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng chưa nổi bật, thiếu các khu phức hợp vui chơi giải trí-nghỉ dưỡng-mua sắm-ẩm thực hiện đại, quy mô tầm cỡ quốc tế. Sản phẩm du lịch đường sông còn thiếu bến thủy, cầu tàu; môi trường kênh rạch còn ô nhiễm cho nên có nhiều tuyến du lịch đường thủy nội đô bị ảnh hưởng.

Thành phố vẫn chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế. Hoạt động vận tải khách du lịch vẫn còn nhiều khó khăn do hạ tầng cơ sở chưa được mở rộng, nâng cấp theo nhịp phát triển đô thị, mật độ phương tiện lưu thông cao, thiếu điểm dừng, đỗ đón, trả khách tại các tuyến điểm tham quan…

Những hạn chế nêu trên cần sớm được khắc phục, cùng đó, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2024, lãnh đạo thành phố đã đề nghị Sở Du lịch cần tập trung hoàn thành các chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11 và các chương trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Sở cần triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch đến năm 2030 với chín nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách được xác định là giải pháp tạo đột phá.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo, chuyên gia du lịch cho rằng, thành phố tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, nhất là trong việc tăng cường liên kết giữa thành phố và các địa phương khác; đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, và tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Đồng thời cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường hợp tác quốc tế để đưa du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vươn xa hơn nữa trên bản đồ du lịch thế giới.